26/04/2020 - 07:59

Thêm tâm điểm mới của đại dịch COVID-19 

Với hệ thống bệnh viện đang bị quá tải vì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng chóng mặt, Brazil đang trở thành tâm điểm mới của đại dịch COVID-19 lây lan toàn cầu. 

Mộ tập thể dành cho các nạn nhân COVID-19 tại một nghĩa trang ở thành phố Manaus hôm 21-4. Ảnh: AP

Tính đến ngày 24-4, Bộ Y tế Brazil xác nhận nước này có gần 53.000 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) với hơn 3.600 người tử vong. Trong đó, 23-4 là ngày tồi tệ nhất với khoảng 3.700 ca nhiễm mới và hơn 400 chết. 

►Số liệu thống kê đáng ngờ

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định số người nhiễm và chết vì virus Corona tại quốc gia 211 triệu dân này cao hơn rất nhiều bởi có rất nhiều trường hợp không được xét nghiệm. Các ca tử vong liên quan đến vấn đề hô hấp nhưng không được xét nghiệm bệnh COVID-19 đương nhiên nằm ngoài số liệu thống kê của chính phủ. 

Như tại bang São Paulo (ổ dịch lớn nhất ở Brazil), có gần 1.300 người chết được xác định là do các vấn đề hô hấp không rõ nguyên nhân. Theo số liệu của Chính phủ Brazil, trong số gần 37.300 người nhập viện vì các vấn đề hô hấp từ đầu năm đến nay (gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), chỉ có phân nửa được xét nghiệm SARS-CoV-2. 

Thế nên, các nhà nghiên cứu của Đại học liên bang Minas Gerais (Brazil) đánh giá số người nhiễm SARS-CoV-2 ở quốc gia Nam Mỹ này cao hơn gấp 7 lần số liệu chính thức. Một nghiên cứu của Đại học São Paulo thậm chí cho rằng số ca nhiễm trên thực tế có thể lớn hơn gấp 16 lần, tức đến nay đang có hơn 800.000 ca nhiễm ở Brazil. Các quan chức y tế tại Rio de Janeiro và ít nhất 4 thành phố lớn khác đã cảnh báo hệ thống bệnh viện tại các địa phương này đang trên bờ vực sụp đổ do quá tải và không thể nhận thêm bất kỳ bệnh nhân nào nữa. 

Tại bang Rio, 6 trong 7 bệnh viện công được trang bị chữa trị COVID-19 đều bị quá tải và chỉ có thể tiếp nhận bệnh nhân mới khi có bệnh nhân khác xuất viện hoặc qua đời. Tại Manaus, thành phố lớn nhất của bang Amazonas, các quan chức cho biết một nghĩa trang nơi đây đã buộc phải làm mồ chôn tập thể vì phải liên tục nhận 100 thi thể mỗi ngày, tức tăng gấp 3 lần so với thông thường. 

Năng lực xét nghiệm “kỳ lạ”

Thiếu năng lực và độ chính xác xét nghiệm là vấn đề toàn cầu. Nhưng khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Brazil là vấn đề rất nghiêm trọng và khác biệt đến mức “kỳ lạ” so với phần còn lại của thế giới. Tỷ lệ xét nghiệm tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này quá thấp so với bất kỳ quốc gia nào có ít nhất 40.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Nước này xét nghiệm cho số người ít hơn Iran đến 12 lần, thấp hơn Mỹ 32 lần. Các bệnh nhân nhập viện do bị nghi nhiễm không được xét nghiệm. Nhiều chuyên gia y tế và người chết tại nhà bị nghi nhiễm cũng không được xét nghiệm. Trong báo cáo hồi đầu tháng 4, Bộ Y tế Brazil khẳng định nước này có đủ khả năng xét nghiệm 6.700 ca/ngày, mức quá thấp so với nhu cầu có thể lên đến 40.000 ca/ngày khi lên đến đỉnh dịch.  

Tân Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich tuyên bố tăng cường xét nghiệm là nền tảng hướng đến kiểm soát đại dịch và cam kết sẽ mua 46 triệu bộ xét nghiệm, đáp ứng cho hơn 1/5 dân số. Tuy nhiên, ông không nói rõ thiết bị xét nghiệm mới sẽ được mua từ đâu và khi nào được sử dụng. Cần biết rằng trong cuộc tranh giành trang thiết bị y tế hiện nay, Brazil được coi như đã thất bại trước các quốc gia giàu có chịu chi trả cao hơn, nhất là với nhà cung cấp Trung Quốc, nước đã sớm kiểm soát dịch bệnh và tận dụng cơ hội xuất khẩu thiết bị y tế chống dịch. Trường hợp của Brazil được coi là phong vũ biểu cho các nước trông đợi vào sự giúp đỡ chí tình của các đồng minh, đối tác khi bất trắc. 

Và “kỳ lạ” hơn nữa khi đến nay Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết bác bỏ các dự đoán thảm họa của đại dịch COVID-19. Ông cho rằng đại dịch chỉ là “cái ảo giác” từ “tiểu dịch cúm” gây ra. Mới đây, ông đã sa thải cựu Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta, người đã liên tục và công khai nói ngược với tổng thống về sự nghiêm trọng của đại dịch. Ông Mandetta ủng hộ các biện pháp giãn cách xã hội của các tiểu bang, trong khi Tổng thống Bolsonaro cho rằng đây là điều không cần thiết, rằng chỉ có những người có nguy cơ cao mới bị cách ly. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Teich ủng hộ sớm mở cửa lại nền kinh tế.

Thật ra, quan điểm của ông Bolsonaro giống với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi dịch COVID-19 mới bùng phát. Tuy nhiên, ông Trump đã dần dà thay đổi suy nghĩ thì nhà lãnh đạo Brazil vẫn vậy. 

ĐỨC TRUNG (Theo WP, AP)

Chia sẻ bài viết