28/07/2024 - 08:14

Thế giới đen tối trong các trung tâm lừa đảo ở Philippines 

Nhằm giải cứu nạn nhân và xóa sổ các trung tâm lừa đảo trong nước, giới chức Philippines gần đây thực thi nhiều biện pháp triệt phá tội phạm trong lĩnh vực này.

Quang cảnh trung tâm lừa đảo trực tuyến tại thành phố Bamban nhìn từ trên cao.

Bề nổi của tảng băng chìm

Nỗ lực nói trên bắt đầu bằng một cuộc đột kích hồi tháng 3 của cảnh sát vào một trung tâm cờ bạc trực tuyến ở thành phố Bamban, phía Bắc thủ đô Manila. Trung tâm lừa đảo này là một khu phức hợp rộng 10 héc-ta, bao gồm 36 tòa nhà văn phòng, biệt thự sang trọng và một hồ bơi lớn. Tại đây, các lao động thường xuyên bị đe dọa trừng phạt, gây tổn hại về thể chất nếu không thực hiện hành vi lừa đảo. Có hơn 700 công dân của Philippines, Trung Quốc, Rwanda, Malaysia, Ðài Loan, Indonesia và Việt Nam đã được giải cứu.

Ðáng chú ý, cuộc đột kích đã tìm thấy các tài liệu cho thấy bà Alice Leal Guo  - thị trưởng thành phố Bamban - là chủ tịch của một công ty sở hữu khu phức hợp này. Guo bị cáo buộc buôn người và rửa tiền liên quan đến hoạt động của trung tâm lừa đảo tại Bamban. Guo đã bị đình chỉ công tác và đang lẩn trốn sau khi lệnh bắt giữ bà được ban hành.

Hiện tại, chính phủ Philippines đã cho đóng băng tài sản của Guo và những người có liên quan đến đường dây lừa đảo kể trên, bao gồm 90 tài khoản ngân hàng, bất động sản, xe hạng sang và 1 chiếc trực thăng. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cho rằng vụ việc của bà Guo dường như chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Giới chức Philippines tin rằng có thể có hàng trăm tổ chức cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp đang điều hành các trung tâm lừa đảo trong nước này.

Trong khi đó, vụ bê bối tại Bamban đã gây sửng sốt cả nước và thúc đẩy nhiều người kêu gọi chính phủ Philippines cấm ngành cờ bạc trực tuyến vì liên quan đến các vụ lừa đảo tài chính, bắt cóc, mại dâm, buôn người, tra tấn và giết người.

Hôm 23-7, Tổng thống Ferdinand Marcos đã ban hành lệnh cấm đối với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh sòng bài (POGO), đồng thời yêu cầu Cơ quan quản lý hoạt động giải trí và trò chơi của Philippines (PAGCOR) đóng cửa lĩnh vực này vào cuối năm nay. Theo PAGCOR, có 42 POGO được cấp phép tại Philippines, tuyển dụng khoảng 40.000 lao động trong nước, trong khi có gần 23.000 người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này tính đến cuối năm 2023.

Trong khi đó, Ủy ban Chống tội phạm có tổ chức của Tổng thống Philippines cho biết sẽ tiếp tục trấn áp hàng trăm POGO hoạt động trái phép trong nước, theo đó trục xuất những người nước ngoài làm việc tại các POGO. Ðược biết, hoạt động đánh bài, cá cược trực tuyến xuất hiện tại nước này từ năm 2016 và tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ đó. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đỉnh điểm có khoảng 300 công ty hoạt động trong lĩnh vực này tại Philippines.

Vấn đề không chỉ của  Philippines

Theo kênh Channel News Asia, các trung tâm lừa đảo ở Philippines thường được ngụy trang dưới dạng hoạt động cờ bạc trực tuyến, chủ yếu do công dân Trung Quốc điều hành và nhắm vào đối tượng người nước ngoài. Số liệu chính thức cho thấy có hơn 60.000 người nước ngoài và công dân Philippines đang làm việc cho các công ty cờ bạc trực tuyến được cấp phép. Năm ngoái, cảnh sát Philippines đã bắt giữ gần 3.300 người trong 2 cuộc đột kích quy mô lớn vào những địa điểm được cho là trung tâm lừa đảo tại thủ đô Manila.

Thực tế, các trung tâm lừa đảo mọc lên như nấm trên khắp Ðông Nam Á, nơi các tổ chức tội phạm dụ dỗ, bắt cóc hoặc ép buộc người lao động tham gia vào hoạt động săn mồi trực tuyến và kiếm được hàng tỉ đô la. Các nạn nhân cho biết họ đi khắp khu vực này, thường giả vờ yêu đương hoặc đang làm công việc lương cao. Nhưng thay vào đó, họ bị buộc phải dụ dỗ mọi người đầu tư tiền vào các nền tảng đầu tư giả mạo và các thủ đoạn khác.

Trong báo cáo công bố vào tháng 8-2023, Liên Hiệp Quốc ước tính hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới đã bị đưa sang Ðông Nam Á để phục vụ hoạt động lừa đảo trực tuyến.

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

 

Chia sẻ bài viết