02/01/2020 - 08:45

Tham vọng trên biển của Trung Quốc 

Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình đóng tàu chiến trong bối cảnh hải quân nước này không ngừng mở rộng quy mô với những mục tiêu đầy tham vọng.

Bắc Kinh hồi tuần rồi vừa hạ thủy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055D thứ 6 (ảnh) và Type 052D thứ 23 - hai trong số 24 tàu được lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hạ thủy trong năm 2019.

Có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn, Type 055D là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên của Trung Quốc được trang bị 112 tên lửa. Trong khi đó, với lượng giãn nước 8.000 tấn, Type 052D được trang bị 64 ống phóng thẳng đứng.

Trước đó, Trung Quốc hôm 17-12 đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng có tên Sơn Đông vào hoạt động. CNN cho biết, tàu Sơn Đông sử dụng động cơ đẩy thông thường thay vì hạt nhân và là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc. Được biết, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh, được đóng từ thời Liên Xô và được Bắc Kinh mua từ Ukraine năm 1998. Trong khi tàu Liêu Ninh đóng vai trò như một tàu huấn luyện, tàu Sơn Đông có thể được triển khai trong chiến đấu.

So kè sức mạnh với Mỹ

Cuộc cạnh tranh năng lực hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra quyết liệt những năm gần đây. Kể từ năm 2014, Bắc Kinh liên tục hiện đại hóa lực lượng này khi đưa vào hoạt động nhiều tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ... Nước này có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Đặc biệt là sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tốc độ đóng và hạ thủy tàu chiến của Trung Quốc được đẩy mạnh. Theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố, trong 2 năm 2016 và 2017, Trung Quốc đã đưa vào biên chế ít nhất 32 tàu chiến. Đáng chú ý là năm 2018, Trung Quốc hạ thủy tới 21 tàu chiến, gồm 5 tàu khu trục Type 054A, 4 tàu hộ tống Type 056 và 1 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Tính tới năm 2018, PLAN sở hữu hơn 300 tàu chiến, nhiều hơn cả Hải quân Mỹ (290 chiếc). Ông Tập từng nhấn mạnh rằng PLAN muốn trở thành “lực lượng hàng đầu thế giới”.

Theo Collin Koh tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), dù PLAN mỗi năm đều đưa vào hoạt động nhiều tàu chiến mới nhưng quy mô tổng thể hạm đội của Trung Quốc không tăng, bởi nhiều tàu chiến cũ hơn dần được thay thế. Song, chất lượng các tàu chiến nhìn chung được cải thiện, bởi mỗi tàu khu trục hay khinh hạm mới được đưa vào hoạt động đều có kích thước lớn hơn và có khả năng tốt hơn so các tàu “nghỉ hưu”.

"Hổ giấy" của Trung Quốc?

Tuy nhiên, mối lo hiện nay của Trung Quốc là thiếu hụt lực lượng phi công hải quân, gây trở ngại đối với tham vọng phát triển đội tàu sân bay sẵn sàng tác chiến của Trung Quốc. Việc đưa tàu Sơn Đông vào hoạt động đồng nghĩa với việc cần phải có ít nhất 70 phi công cùng với một lượng lớn phụ tá. Nếu Trung Quốc vẫn tiến hành kế hoạch mở rộng đội tàu sân bay lên 5-6 chiếc cũng như sử dụng công nghệ tiên tiến cho những tàu này, thì nhu cầu huấn luyện thêm phi công sẽ trở nên cấp bách hơn trong tương lai. Do đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình huấn luyện phi công quân sự. 

Đặc biệt, cũng như tàu Liêu Ninh, tàu Sơn Đông vẫn sử dụng công nghệ dốc trượt ở cuối sàn tàu để phóng máy bay - công nghệ tương đối cũ so với công nghệ “máy phóng” của Hải quân Mỹ. Vì thế, theo CSIS, các chiến đấu cơ J-15 được trang bị trên Sơn Đông chỉ có thể triển khai tác chiến ở trọng lượng đối đa 31 tấn, trong khi trọng lượng của bản thân nó đã là 19 tấn. Nghĩa là khi tác chiến, J-15 mang được lượng nhiên liệu và vũ khí không nhiều. Trong khi đó, chiến cơ trên tàu sân bay Mỹ là F/A-18E/F chỉ có trọng lượng 16 tấn. Trong số 24 tàu sân bay, Mỹ có 10 siêu tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân với khả năng phóng các chiến đấu cơ nặng tới 50 tấn. Thế nên, David Axe, chủ bút phụ trách mảng quốc phòng của tạp chí  National Interest, mô tả các tàu sân bay Trung Quốc là "hổ giấy". 

TRÍ VĂN (Theo SCMP, CNN)

Chia sẻ bài viết