02/02/2008 - 16:33

Tham vọng lớn - thảm họa lớn

Mặc dù đang bị sa lầy trong cuộc chiến “chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan kể từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, Lầu Năm Góc vẫn khởi đầu đàm phán kế hoạch triển khai bản sao hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia tốn kém của Mỹ tại Đông Âu. Động thái này nhằm uy hiếp “con gấu Nga”, lăm le trừng phạt quân sự chống Iran, khống chế tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc... Những chiến lược đầy tham vọng của giới lãnh đạo siêu bảo thủ Mỹ đang đưa thế giới trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường...

“Trò chơi” nhiều nguy hiểm

Chính quyền George Bush biện minh rằng mục tiêu của kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và một trạm radar ở Cộng hòa Czech là nhằm bảo vệ các đồng minh châu Âu trước mối đe dọa tiềm ẩn từ tên lửa tầm xa của hai “chế độ thù địch” Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, không chỉ Mát-xcơ-va mà nhiều nước trên thế giới đều nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa đó của Lầu Năm Góc trực tiếp đe dọa Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Áo Norbert Darabos gọi “trò chơi” trên của Mỹ là sự “khiêu khích” làm sống lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Không khó để thấy rằng kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Washington tại Đông Âu là một thách thức nghiêm trọng an ninh đối với Nga, nhất là trong bối cảnh Mát-xcơ-va còn phản ứng gay gắt ý định mở rộng biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang các nước vùng Kavkaz, đặc biệt là Ukraina và Gruzia - hai nước cộng hòa từng nằm trong “mái nhà chung” Liên bang Xô-viết trước đây. Nếu tham vọng này được thực thi thì chẳng những đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ mà cả sự tồn vong của nước Nga đang trên đà trỗi dậy.

Một vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn của Mỹ. 

Năm 2007 trở thành năm chết chóc tàn khốc nhất của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan. 

Để ngăn ngừa nguy cơ đó, Mát-xcơ-va một mặt kêu gọi Mỹ và NATO hợp tác với Nga phát triển hệ thống radar chung tại Azerbaijan (vốn không thể giám sát lãnh thổ Nga), mặt khác cảnh báo rằng nước này sẽ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tại thành phố Saint-Petersburg và một hệ thống khác nhằm vào Đông Âu đặt ở tỉnh Kaliningrad, vùng lãnh thổ biệt lập của nước Nga nằm lọt thỏm bên trong đường biên giới giữa Ba Lan và Litva. Thậm chí, Nga còn có thể triển khai một hệ thống tương tự tại nước láng giềng Belarus. Tổng thống Vladimir Putin, người có khả năng duy trì quyền lực trên chính trường nước Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 3-2008, cho biết Điện Kremlin đang có các kế hoạch quân sự “đồ sộ”, trong đó có dự án phát triển một loại vũ khí hạt nhân “hoàn toàn mới”. Trước mắt, Nga quyết định nối lại các hoạt động tuần tra thường xuyên của phi đội ném bom chiến lược tầm xa trên các vùng biển quốc tế Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, đồng thời hoãn tuân thủ Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), dọa rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Liên Xô và Mỹ ký kết năm 1987 cũng như có thể không đàm phán duy trì Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược II (START II) sẽ hết hiệu lực cuối năm 2009. Trước những biện pháp quyết liệt này của Nga, nhiều nước châu Âu bày tỏ lập trường không đồng tình với kế hoạch của Mỹ vì lo ngại một cuộc chiến tranh hạt nhân đầy thảm họa có thể xảy ra hủy diệt cả châu Âu, trong khi “kẻ chủ mưu” ở bên kia bờ Đại Tây Dương lại an toàn!?

Chiến lược bất khả thi

Không dừng lại ở kế hoạch cô lập và bao vây Nga, trên bình diện toàn cầu, Washington còn muốn thâu tóm toàn bộ khu vực dầu mỏ Trung Đông bằng cách chống phá chế độ “cứng đầu” Iran, khống chế Syrie và triệt hạ các nhóm Hồi giáo vũ trang trong khu vực. Nhà Trắng cũng lôi kéo các quốc gia Trung Á trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga tham gia vào các tổ chức trực thuộc Liên minh châu Âu (EU) và xây dựng các đường ống dẫn dầu khí cung cấp năng lượng trực tiếp cho thị trường châu Âu mà không cần trung chuyển qua lãnh thổ Nga. Ngoài ra, Mỹ và NATO còn muốn củng cố sự hiện diện lâu dài tại Afghanistan để làm “cầu nối” giữa Trung Á và Nam Á trong chiến lược “Đại Trung Á” của mình.

Tuy nhiên, cái khó của Mỹ là họ đang sa lầy ở Trung Đông. Theo giới phân tích, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq càng lâu dài thì tổn thất tài lực sẽ càng lớn. Trong trường hợp Washington tiếp tục chính sách hiếu chiến đối với Iran thì hậu quả sẽ khôn lường, bởi nó có thể thổi bùng ngọn lửa căm hờn trong thế giới Hồi giáo dòng Shiite khắp khu vực và là cái cớ để các thế lực chống Mỹ, đặc biệt là mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, gia tăng các hành động trả đũa hòng đánh bại “cuộc thập tự chinh” vơ vét nguồn dầu khí dồi dào của Trung Đông. Và để thực thi chiến lược “Đại Trung Á”, Mỹ phải đối mặt với thực tế bất ổn không có lối thoát tại Afghanistan. Theo giới phân tích, sách lược kết nối Trung Á và Nam Á mà khởi đầu là một đường ống năng lượng khó trở thành hiện thực, nếu không muốn nói là một ảo tưởng xa vời. Bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt từ phương Tây, Nga và Trung Quốc trong những năm qua liên tiếp giành được nhiều hợp đồng khai thác dầu khí tại các nước láng giềng Trung Á , đồng thời giữ vai trò then chốt trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà nhiều nước Trung Á là thành viên.

Việc xích lại gần nhau giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh và hòa bình thế giới.  

Song song với việc thu hút Nam Á tham gia vào chiến lược trên, Mỹ còn tìm cách “đưa” Ấn Độ vào cái gọi là “liên minh các nền dân chủ châu Á” cùng với Nhật Bản và Australia, hai đồng minh thân thiết của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương. Trên bàn cờ khu vực có nền kinh tế năng động và hùng mạnh nhất thế giới này, Washington đang có thỏa thuận chia sẻ một hệ thống phòng thủ tên lửa với Canberra và Tokyo, đồng thời thúc giục NATO mở rộng sự hợp tác quân sự với các đồng minh riêng của Mỹ nhằm khống chế ảnh hưởng chính trị và tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo mới ở Nhật Bản và Australia đều chủ trương thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, trong đó Tokyo ủng hộ các nỗ lực xây dựng Đông Á thành khu vực phát triển hài hòa và duy trì môi trường an ninh bền vững. Đây là nguyện vọng chung của nhân dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cần biết rằng Trung Quốc vừa vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và đang phát triển như vũ bão. Tiềm lực của quốc gia đông dân nhất hành tinh tạo ra cơ hội đầu tư, mở rộng thương mại cho nhiều nước trên thế giới. Điều này làm tăng vị thế và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tham vọng viễn tưởng

Tại hội nghị an ninh quốc tế ở Đức tháng 7-2007, Tổng thống Putin cho biết ông có cảm giác Washington đang xem hành tinh này như “thế giới một chủ quyền”, hàm ý gièm pha rằng Mỹ tự coi mình là kẻ duy nhất thống trị thế giới nên muốn làm gì tùy thích. Tuy nhiên, nhận xét như ông Putin không có nghĩa Mỹ đủ sức mạnh để “tự tung tự tác” thao túng và áp đặt trật tự thế giới đang ngày càng thay đổi. Mặc dù vẫn còn là cường quốc kinh tế - quân sự - khoa học - kỹ thuật hùng mạnh nhất thế giới và với sự ủng hộ của các thế lực tư bản “theo đuôi” chủ nghĩa bành trướng, chắc chắn Hoa Kỳ không thể tự giải quyết các vấn đề an ninh nóng bỏng của thế giới đương đại. Tồi tệ hơn, những thái độ hống hách, ngông cuồng, viễn tưởng của Washington càng làm phức tạp thêm những bất ổn mà họ đã góp phần tạo nên trong chiêu bài chống khủng bố sau sự kiện ngày 11-9-2001, đồng thời kích thích cuộc chạy đua vũ trang không chỉ bằng các loại phương tiện chiến tranh quy ước thông thường mà cả nguy cơ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thực tế cho thấy giấc mộng bá quyền của Washington từ lâu đã thúc giục các quốc gia - khu vực trên thế giới liên kết để tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, trong nỗ lực thể hiện vai trò “nước lớn” không muốn lép vế của mình, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực với khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh. Tại Tây bán cầu, khu vực được ví von là “sân sau” của Mỹ, phong trào cánh tả đang thắng thế đã tạo môi trường chính trị thuận lợi cho các nhà lãnh đạo cách mạng ở Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Ecuador... tiến hành các chương trình cải cách kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21, mang lại công bằng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Có thể thấy Washingon chưa bao giờ thỏa mãn kết cục của cuộc Chiến tranh lạnh vốn được kỳ vọng mang lại cảm giác an toàn hơn cho thế giới. Các thế lực diều hâu ngày nay dường như muốn nước Nga tan vỡ từng mảnh, muốn tất cả các chế độ không thân thiện cúi đầu nghe theo. Không ít dư luận quốc tế lo ngại những tham vọng trên của Mỹ làm manh nha cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Tuy nhiên, so với trước đây, hành tinh chúng ta đang có đủ điều kiện hình thành nên một thế giới đa cực với nhiều cường quốc và liên minh khu vực dựa trên nguyên tắc cơ bản về độc lập tự chủ, không can thiệp, cùng có lợi và cùng phát triển. Một thế giới như vậy mới thật sự tạo môi trường thuận lợi cho sự hợp tác đối phó với những vấn đề cấp bách trong thời đại toàn cầu hóa như chạy đua vũ trang hạt nhân, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, xung đột bạo lực, tình trạng Trái đất ấm dần lên, dịch bệnh, nghèo đói, an ninh năng lượng...


PHÚC NGUYÊN

Chia sẻ bài viết