06/09/2022 - 09:13

Tàu sân bay trong sức mạnh hải quân của Ấn Độ 

Trong nỗ lực phát triển năng lực hải quân và tự chủ quốc phòng, Hải quân Ấn Độ vừa biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant (ảnh).

Được trang bị tối tân

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ biên chế INS Vikrant hôm 2-9 tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử và thành tựu mang tính bước ngoặt. Tàu sân bay này là biểu tượng của tiềm năng, nguồn lực và trình độ chuyên môn của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Và đó là ví dụ về sự thúc đẩy của chính phủ để Ấn Độ tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng”.

Được biết, INS Vikrant là tàu sân bay thứ hai mà Hải quân Ấn Độ vận hành và là chiếc đầu tiên do New Delhi tự chế tạo. Chiếc còn lại là INS Vikramaditya, được nâng cấp từ tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mua lại từ Nga năm 2004, với trọng tải 45.000 tấn, có thể vận hành khoảng 20 chiến đấu cơ MiG-29K, cùng với các máy bay trực thăng đa dụng. Hải quân Ấn Độ có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay từ năm 1961 khi nước này mua chiếc đầu tiên của Anh mang tên Vikrant và hoạt động đến năm 1997 mới “nghỉ hưu”. Tàu sân bay thứ hai INS Viraat cũng của Anh đã phục vụ cho Hải quân Ấn Độ trong suốt 30 năm trước khi dừng hoạt động năm 2017. 

Hải quân Ấn Độ cho biết, INS Vikrant dài 262m, rộng 62m, có hơn 2.300 khoang, đủ sức chứa 1.700 thủy thủ đoàn. Đáng chú ý, tàu sân bay này có lượng giãn nước 47.400 tấn, có tầm hoạt động lên tới 7.500 hải lý (khoảng 13.890km) và có thể mang theo 30 máy bay trực thăng và tiêm kích, gồm MiG-29K, trực thăng Kamov Ka-31 và trực thăng cảnh báo sớm trên không MH-60R. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang cân nhắc mua chiến đấu cơ Rafale-M hoặc F/A-18 Block III để hoạt động trên tàu chiến này.

Bên cạnh sức mạnh tác chiến, hàng không mẫu hạm mới của Ấn Độ còn được đánh giá cao nhờ hệ thống radar hiện đại, có thể phát hiện các mối nguy hiểm cả trên không và trên biển từ khoảng cách xa. 

INS Vikrant được đưa vào biên chế sau hơn 17 năm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm. Giới chuyên gia quốc phòng nhận định chương trình chế tạo INS Vikrant bị chậm tiến độ 6 năm khiến chi phí tăng lên gấp 6 lần và tới mức 200 tỉ rupee (2,5 tỉ USD). Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong một tuyên bố khẳng định, 75% tàu chiến INS Vikrant có nguồn gốc từ trong nước, từ thiết kế, thép…đến vũ khí và hệ thống cảm biến. Dự kiến, tàu sân bay này sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2023 sau khi trải qua đợt thử nghiệm cất - hạ cánh với tiêm kích MiG-29K.

Yếu tố Trung Quốc

Ngoài INS Vikramaditya và INS Vikrant, Ấn Ðộ còn có kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 3 mang tên INS Vishaal, có trọng tải 65.000 tấn, được trang bị hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR (máy bay được hỗ trợ bởi máy phóng khi cất cánh và thiết bị hãm khi hạ cánh). Song, không giống như INS Vikrant hay INS Vikramaditya, INS Vishaal sẽ có thể phóng và thu hồi máy bay tấn công hạng nặng cũng như các máy bay cảnh báo sớm như E-2 Hawkeye.

Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ còn sở hữu 11 tàu khu trục, 13 tàu hộ vệ tên lửa, 14 tàu ngầm phi hạt nhân, 2 tàu ngầm hạt nhân cùng nhiều tàu chiến khác với sức mạnh hàng đầu châu Á.

Theo tờ National Interest, Ấn Độ có nhiều lý do để theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về hàng không mẫu hạm. Một là, New Delhi cần tàu sân bay để hỗ trợ các hoạt động quân sự của nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang với quốc gia láng giềng Pakistan. Hai là, tàu sân bay giúp Hải quân Ấn Độ trở thành lực lượng ưu việt ở Ấn Độ Dương, có khả năng kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng này tốt hơn bất kỳ đối thủ nào.

Và ba là liên quan đến cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Với việc đưa vào biên chế tàu sân bay nội địa thứ hai trong vòng 3 năm qua và đang đóng chiếc thứ ba, Bắc Kinh đã có thể vượt qua New Delhi về phát triển lực lượng hàng không hải quân trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Mặc dù ít kinh nghiệm hơn so với Ấn Độ về vận hành tàu sân bay, Trung Quốc lại sở hữu ngành đóng tàu rất hiệu quả và lực lượng hàng không ngày càng hiện đại, khiến nước này ít bị phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Những lý do này buộc New Delhi phải đẩy mạnh tốc độ hoàn thành các dự án tàu sân bay kèm với đó là củng cố sức mạnh lực lượng hải quân nếu muốn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và bảo vệ tốt chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia trên biển.

Với tàu sân bay mới và kinh nghiệm vận hành của mình, Hải quân Ấn Độ được cho sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc tập trận của nhóm “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Mục tiêu của nhóm này là tập trung thúc đẩy hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tạo ra một đối trọng có chất lượng trước sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên từ Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết