Giới chức Trung Quốc quy trách nhiệm vụ “tai nạn xe hơi nghiêm trọng” ở Thiên An Môn hồi tuần trước cho các phần tử khủng bố thuộc tộc người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh bất ổn tại đây. Theo hãng tin Reuters, tình trạng nghèo đói, phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ là một trong những nguyên nhân.
 |
Người dân tộc Duy Ngô Nhĩ trên một cánh đồng gần trị trấn Lukqun, khu tự trị Tân Cương. Ảnh: Reuters |
Khi được phóng viên Reuters hỏi về căn nguyên của tình trạng bạo loạn và bất ổn tại Tân Cương, Abuduwahapu - một thanh niên địa phương - trả lời: “Người Hán không có đức tin nhưng người Duy Ngô Nhĩ thì có (đạo Hồi). Vì vậy, họ không thực sự hiểu nhau
Một số người dân ủng hộ độc lập nhưng số khác thì không. Đa số người ủng hộ độc lập không hài lòng (với thực tại) bởi vì họ nghèo khổ” - Abuduwahapu nói. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận ra nguồn gốc kinh tế của một số vấn đề tại Tân Cương, nên từng đổ tiền phát triển thêm trường học, bệnh viện và đường sá ở đây. Quả thật là thu nhập người dân đã tăng lên, đặc biệt ở vùng nông thôn nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Cương vẫn chưa tới 6.400 nhân dân tệ (NDT) vào năm 2012, dù đã tăng 15% so với năm 2011. Con số này thấp hơn 1.500 NDT so với thu nhập trung bình toàn quốc và ít hơn 11.000 NDT so với người dân nông thôn Thượng Hải (vùng giàu nhất Trung Quốc).
Mặt khác, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị người Duy Ngô Nhĩ trên thị trường việc làm là một vấn đề nhức nhối khác, dù chính quyền Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm kết thúc nó. Trên thực tế, nhiều quảng cáo tuyển dụng vẫn ghi rõ “không tiếp nhận người Duy Ngô Nhĩ”. “Người Hán e sợ người Duy Ngô Nhĩ. Họ sợ nếu chúng tôi có súng, chúng tôi sẽ giết họ” - Abuduwahapu buồn bã nói.
Nhiều người Trung Quốc từng có cái nhìn “hiền lành” về Tân Cương, như là khu vực biên giới có nhiều dân tộc thiểu số yêu nhảy múa và ca hát. Tuy nhiên, quan niệm đó đã biến thành sự nghi ngờ sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Một phần là vì Bắc Kinh dùng sự kiện này để “thanh minh” cho những biện pháp hà khắc mà giới chức dùng để đối phó những phần tử cực đoan bị họ cho là được al-Qaeda hậu thuẫn. Do đó, “sự kiện khủng bố Thiên An Môn” lần này có thể khiến Bắc Kinh “chăm sóc” Tân Cương kỹ hơn nữa.
NGUYỆT CÁT (Theo Reuters)