Cuối tuần qua, thế giới ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt con số 5 triệu. Giới chuyên gia nhận định làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang bùng phát tại châu Âu, trong khi một số nước châu Á cảnh giác trước việc số ca nhiễm tăng cao và sự xuất hiện của một dạng biến thể “Delta Plus”.

Bất bình đẳng về vaccine đang cản trở nỗ lực chống COVID-19 trên toàn cầu.
Ðiểm đáng lưu ý trong 7 ngày qua là số ca mắc và tử vong đều tăng trở lại. Số ca mắc đã tăng 3% so với tuần trước đó, từ hơn 2,8 triệu ca lên 2,9 triệu ca, trong khi số ca tử vong tăng 6%, từ hơn 46.000 ca lên 49.000 ca. Châu Âu đã thực sự bước vào “mùa Ðông dịch bệnh” khi số ca nhiễm và tử vong tăng lần lượt 16% và 18%. Chỉ trong 1 tuần, số ca mắc mới ở CH Séc tăng tới 102%, Hungary tăng 92%, Ðan Mạch, Bỉ và Ba Lan trên 70%.
Không chỉ châu Âu, diễn biến dịch ở một số nước châu Á trong tuần qua cũng gây lo ngại. Tình hình tại Trung Quốc có phần “nóng” trở lại khi số ca nhiễm tăng 119%, từ 144 ca trong tuần trước lên 316 ca trong tuần này, khiến Bắc Kinh phải quyết định tái phong tỏa 3 thành phố.
Tại Singapore, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi hiện đạt 84% dân số và đã có 14% được tiêm mũi bổ sung thứ ba, nước này vừa ghi nhận ngày có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, lên tới hơn 5.300 ca hôm 27-10, tăng cao bất thường so với mức hơn 3.000 ca trong những ngày trước đó.
Các chuyên gia khẳng định ngoài việc dịch bệnh do virus thường bùng phát mạnh vào mùa Ðông, sự xuất hiện của các biến thể mới là yếu tố khiến COVID-19 chưa thể chấm dứt.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thế giới cần xác định tầm nhìn dài hạn để sống chung an toàn với COVID-19, để có thể kiểm soát đại dịch về lâu dài. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
WHO khẳng định việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền SARS-CoV-2, bên cạnh việc tiếp tục tiêm vaccine. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng về vaccine giữa các khu vực không chỉ khiến dịch bệnh kéo dài mà còn ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế. WHO cho biết khoảng 75% tổng số vaccine được tiêm trên toàn cầu là ở các nước giàu, trong khi ở các nước kém phát triển châu Phi, trung bình mới chỉ khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới đã có những công cụ cần thiết để kiểm soát đại dịch, và khả năng đại dịch có kết thúc hay không “nằm trong tay chúng ta”. Tuy nhiên, theo ông “với gần 50.000 ca tử vong mỗi tuần, đại dịch còn lâu mới kết thúc”. Ðiều đó cho thấy thế giới đang sử dụng chưa tốt những công cụ đang có để kiểm soát dịch, đặc biệt là vaccine.
Sự xuất hiện của những biến thể mới của SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nguy hiểm hơn đòi hỏi thế giới phải thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu và kéo dài như đại dịch COVID-19, bởi “không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới”. Ðó là tầm nhìn dài hạn mà thế giới cần xác định để kiểm soát hiệu quả, lâu dài COVID-19 và cũng để giải quyết mọi thách thức toàn cầu trong tương lai.
BẠCH DƯƠNG (TTXVN)