Từ năm 2007, Úc, Ấn Ðộ và Nhật Bản đã âm thầm thắt chặt quan hệ nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc và điều này tạo nên một tam giác chiến lược mới tại khu vực Ấn Ðộ Dương- Thái Bình Dương.

Hải quân các nước tham gia tập trận Malabar-2021 hồi tháng 8. Ảnh: Reuters
Đỉnh của tam giác chiến lược này nằm ở Úc, một chân chạy theo hướng Tây Bắc đến Ấn Ðộ, chân kia chạy theo hướng Bắc Nam đến Nhật Bản. Ban đầu, sự hình thành của tam giác chiến lược mới một mặt phản ánh sự không chắc chắn về cam kết và sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Donald Trump, mặt khác thể hiện sự công nhận của Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ đối với sự cần thiết của việc phải đảm nhận vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực.
Chính sự phát triển của cấu trúc an ninh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đã làm nổi bật mối quan hệ an ninh ngày càng tăng giữa Canberra, New Delhi và Tokyo. Song, có thể thấy rõ xu hướng hợp tác ngày càng tăng giữa Úc và Ấn Ðộ trong sự phát triển của tam giác chiến lược này. Sách Trắng về Chính sách Ðối ngoại năm 2017 của Úc xác định Ấn Ðộ là đối tác an ninh quan trọng trong hỗ trợ giữ gìn trật tự khu vực. Kể từ 2015, hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung AUSINDEX.
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Ðộ Narendra Modi còn nâng quan hệ Ðối tác Chiến lược năm 2009 lên thành Ðối tác Chiến lược Toàn diện, qua đó nâng cấp “tầm nhìn chung về một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, tự do, dựa trên luật lệ”. Nhà lãnh đạo 2 nước cũng nhất trí với một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau, cho phép hải quân Úc và Ấn Ðộ tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Ngay sau hội nghị này, New Delhi đã mời Canberra tham gia cuộc tập trận Malabar 2020 cùng Ấn Ðộ, Mỹ và Nhật Bản. Ðây là cuộc tập trận đầu tiên của tất cả thành viên trong nhóm “bộ tứ”. Không những vậy, từ ngày 10 đến ngày 12-9 vừa qua, Ấn Ðộ và Úc còn tổ chức Ðối thoại 2+2 cấp bộ trưởng đầu tiên, với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước.
Trong khi đó, quan hệ Ấn Ðộ - Nhật Bản trong thế kỷ 21 đã phát triển thành Quan hệ Ðối tác Toàn cầu và Chiến lược Ðặc biệt. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Ðộ hồi năm 2007, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe nhận định rằng Nhật Bản và Ấn Ðộ “có lợi ích to lớn đối với an ninh đường biển”, qua đó kêu gọi các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng Ấn Ðộ và Nhật Bản xem xét về tương lai hợp tác an ninh giữa 2 nước. Nhật Bản sau đó vào năm 2015 tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn Ðộ và Mỹ tổ chức với tư cách là đối tác tập trận thường xuyên. Ngoài ra, kể từ năm 2016, 2 nước mỗi năm còn tổ chức cuộc tập trận hàng hải song phương JIMEX. Ðáng chú ý, New Delhi và Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái đã ký kết Hiệp định mua lại và dịch vụ chéo (ACSA) nhằm nâng cao chiều sâu chiến lược của hợp tác quốc phòng và an ninh song phương, qua đó cho phép hải quân 2 nước tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Còn hồi tháng 6 năm nay, Nhật Bản và Ấn Ðộ đã tiến hành cuộc tập trận song phương ở Ấn Ðộ Dương nhằm ủng hộ một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỗi năm 2 nước đều tổ chức hội nghị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2+2 trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của thủ tướng chính phủ.
Còn quan hệ Nhật Bản - Úc trong thế kỷ 21 được định hình bởi Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh năm 2007, trong đó vạch ra “tham vấn các vấn đề có lợi ích chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa”, gồm cả việc trao đổi quân nhân, triển khai các cuộc tập trận chung và thiết lập cơ chế 2+2. Năm 2013, Tokyo và Canberra còn ký kết ACSA cũng như một thỏa thuận bảo mật thông tin nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Năm 2014, Úc và Nhật Bản đã nâng quan hệ song phương lên thành Ðối tác Chiến lược Ðặc biệt. Ngoài ra, Sách Trắng về Chính sách Ðối ngoại năm 2017 của Úc còn hoan nghênh các cải cách quốc phòng và năng lực quốc phòng ngày càng tăng của Nhật Bản, qua đó bày tỏ sự ủng hộ đối với một Nhật Bản luôn “đóng góp vai trò tích cực trong an ninh khu vực”. Nhằm nhấn mạnh quan hệ quốc phòng Nhật Bản - Úc ngày càng ấm nồng, chính phủ 2 nước hồi tháng 11-2020 đã ký kết Thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau. Trong khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga xem thỏa thuận là dấu hiệu của “ý chí và năng lực chung để đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực”, Thủ tướng Morrison ca ngợi đây là “một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt”, giúp nâng cao quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Úc và Nhật Bản.
Khi tam giác chiến lược này phát triển trong hơn thập niên qua, cả 3 nước Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cũng tăng cường quan hệ với Mỹ nhằm tạo nên nhóm “bộ tứ” đối phó với những thách thức nhiều mặt ngày càng tăng từ Trung Quốc cũng như nhằm phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc Anh cử nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và quyết định duy trì 2 tàu tuần tra tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời ký thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS (Úc, Anh, Mỹ) được coi là “tuyến chiến lược thứ 2” trong tam giác Úc - Ấn - Nhật.
TRÍ VĂN (Theo National Interest)