19/01/2023 - 08:18

Tác động từ việc sụt giảm dân số ở Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Nikkei)

Theo các nhà chuyên môn, sự thay đổi về cấu trúc nhân khẩu học Trung Quốc không chỉ thách thức các mục tiêu tham vọng của Bắc Kinh mà còn gây ra những hệ lụy sâu sắc trên toàn cầu.

Trung Quốc vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề nhân khẩu học. Ảnh: Reuters

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết họ ghi nhận dân số giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961. Cụ thể, dân số nước này tính đến cuối năm 2022 là 1,41175 tỉ người, giảm 850.000 người so với năm 2021.

Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950 và trong hàng chục thập kỷ qua, nước này chưa chứng kiến ​​bất kỳ sự sụt giảm dân số nào ở mức đo lường được. Nhưng trong dự báo đến năm 2050, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người, nhiều hơn gấp 3 lần mức giảm dự báo trước đó vào năm 2019. Theo nhà nhân khẩu học Yi Fuxian, triển vọng nhân khẩu học và kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn nhiều so với dự kiến. Trung Quốc sẽ phải tìm cách điều chỉnh hàng loạt chính sách về xã hội, kinh tế, quốc phòng và đối ngoại khi thách thức nhân khẩu học không chỉ phủ bóng lên vị thế cường quốc sản xuất mà còn đe dọa tham vọng quân sự của họ.

Trước mắt, dân số giảm đồng nghĩa lực lượng lao động ít hơn. Ðược biết, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2016 và vấn đề trở nên cấp bách hơn với làn sóng nghỉ hưu sắp xảy ra. Theo ước tính của Nikkei, lực lượng lao động Trung Quốc có thể thu hẹp 9% trong 10 năm tới. Viễn cảnh này cùng với xu hướng giới trẻ chuộng công việc văn phòng, còn một bộ phận khác lại chấp nhận lối sống “nằm im” thay vì cạnh tranh đang gây ra nhiều rủi ro cho lĩnh vực sản xuất. Một cuộc khảo sát của Chính phủ Trung Quốc với hơn 90.000 nhà sản xuất cho thấy, 44% thừa nhận khó khăn trong việc tuyển dụng là thách thức lớn nhất đối với họ hiện nay.

Không chỉ đe dọa sức mạnh công nghiệp, sụt giảm nguồn cung lao động đại lục có thể kéo theo những hậu quả rộng lớn trên toàn cầu. Ðặc biệt, theo chuyên gia nhân khẩu học Yi, lực lượng lao động Trung Quốc bị thu hẹp và sự suy giảm trong năng lực sản xuất sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu.

Không chỉ về kinh tế, Nikkei cho biết sụt giảm dân số còn tác động đến năng lực quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cũng đang vật lộn với việc tuyển dụng. Theo các tiết lộ, PLA đang thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ sư để vận hành và phát triển nhiều loại vũ khí ngày càng tiên tiến về mặt kỹ thuật, phục vụ tham vọng tăng cường kiểm soát Biển Ðông và Hoa Ðông. Do đó, hồi tháng 8-2022, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết Trung Quốc đã nâng độ tuổi nhập ngũ tối đa từ 24 lên 26 tuổi và đặc biệt ưu tiên sinh viên đại học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Bắc Kinh cũng ban hành luật cho phép huy động nhanh lực lượng dự bị ra tiền tuyến trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ngoài các giải pháp trên, PLA còn tăng cường nỗ lực tuyển dụng thông qua chính sách tuyên truyền kêu gọi lòng yêu nước. Nhưng ở một đất nước mà tiêu chuẩn các hộ gia đình đa phần chỉ có một con, rất ít cha mẹ muốn đưa con em được giáo dục tốt vào môi trường thử thách trong quân đội. Riêng với người trẻ, nếu so với mức lương dựa trên thâm niên của quân đội, họ thường bị thu hút nhiều hơn cho vị trí việc làm tại một công ty lớn vốn đảm bảo mức lương cao và các phúc lợi tốt ngay sau khi tốt nghiệp đại học.l

Chia sẻ bài viết