15/10/2012 - 09:56

Syrie đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ

Đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn và tịch thu các thiết bị radar trên máy bay dân sự của mình, chính quyền Syrie vừa ban hành lệnh cấm các chuyến bay dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lãnh thổ Syrie từ đêm 13-10.

Các tay súng nổi dậy tại thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters 

Bộ Ngoại giao Syrie khẳng định quyết định trên "phù hợp với nguyên tắc có đi có lại" sau khi Ankara chặn một máy bay dân sự của Syrie đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10-10. Trong phản ứng của mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cho biết nước này sẽ "không do dự đáp trả" nếu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syrie bị vi phạm một lần nữa. Phát biểu trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Đức Guido Westervelle tại Istanbul, ông Davutoglu nhấn mạnh rằng vi phạm biên giới Thổ Nhĩ kỳ cũng là vi phạm biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có sự hỗ trợ của các đồng minh, đặc biệt là Đức.

Ngoại trưởng Đức cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế khi buộc một máy bay của Syrie hạ cánh tại Ankara vì nghi vận chuyển vũ khí sang Syrie. Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế, để không "đổ thêm dầu vào lửa". Ngoại trưởng Westerwelle cũng lên tiếng cảnh báo "tình hình căng thẳng giữa Ankara và Damas có thể vượt ngoài tầm kiểm soát".

Những chỉ trích của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 13-10 đã nhắm thẳng vào Liên Hiệp Quốc. Ảnh: startribune 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Syrie vẫn muốn làm giảm căng thẳng với nước láng giềng khi lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Nga thiết lập kênh liên lạc an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng thông tấn SANA, giới chức chính quyền Syrie và Đại sứ Nga tại Damas đã có các cuộc thảo luận về những cách thức thiết lập ủy ban an ninh chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syrie để qua đó sẽ "kiểm soát tình hình an ninh tại biên giới của cả hai quốc gia này trong khuôn khổ tôn trọng lãnh thổ quốc gia của hai bên". Phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bình luận về đề xuất này.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kịch liệt chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vì đã không đưa ra những hành động mang tính quyết định nhằm chấm dứt nội chiến ở Syrie. Phát biểu tại hội nghị quốc tế đang diễn ra ở thành phố Istanbul, Thủ tướng Erdogan kêu gọi cải cách lại bộ máy HĐBA, cơ quan mà ông cho là một "hệ thống không công bằng, không đồng đều" khi không đại diện cho nguyện vọng của hầu hết các nước. Ông cũng nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến thảm kịch nhân đạo tại Syrie đồng thời cho rằng "nếu chúng ta tiếp tục chờ đợi một hoặc hai thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ, thì khi đó tương lai của Syrie sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm".

Trở lại với nỗ lực chấm dứt nội chiến tại Syrie, có mặt tại Istanbul hôm 13-10, Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Lakhdar Brahimi cho biết ông đang vạch ra các kế hoạch sẽ điều lực lượng 3.000 nhân viên gìn giữ hòa bình, bao gồm cả binh lính phương Tây hỗ trợ cho lệnh ngừng bắn sẽ có trong tương lai tại Syrie.

Được biết, ông Brahimi đang nhắm đến các quốc gia hiện đang đóng góp 15.000 binh lính được thành lập với sứ mệnh kiểm soát khu vực biên giới Israel và Liban. Lực lượng này được cho là có đầy đủ các trang thiết bị cùng những kiến thức trên mặt đất về bất cứ hoạt động gìn giữ hòa bình nào mà họ đảm trách.

Liên quan đến sự nguy hiểm của Syrie, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) ngày 14-10 cho rằng ngoài kho vũ khí hóa học có khả năng rơi vào các nhóm khủng bố, chính quyền Damas hồi tuần qua đã sử dụng bom chùm do Nga sản xuất trong các đợt không kích ở các địa điểm có đông dân thường sinh sống.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết