25/06/2012 - 21:31

Syrie: Chính phủ mới đối mặt căng thẳng mới

Các chính trị gia ở Syrie hy vọng chính phủ mới thành lập sẽ mở ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở nước này và tiến tới một chính phủ đoàn kết dân tộc, song triển vọng nói trên dường như mong manh khi cuộc khủng hoảng nội bộ kéo dài 16 tháng qua đã chuyển hướng thành mối căng thẳng mang tầm quốc tế, do tranh chấp mới phát sinh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dấu hiệu tích cực từ chính phủ mới

Nội các mới của Syrie thành lập hôm 23-6 có thêm 20 gương mặt mới nhưng vẫn giữ nguyên 3 vị trí quan trọng ở Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Điều đáng chú ý trong cuộc cải tổ lần này là hai nhân vật chủ chốt thuộc phe đối lập ở Syrie đã được trao quyền lãnh đạo 2 trong số 3 bộ mới thành lập gồm Bộ Hòa giải Dân tộc, Bộ Thương mại Nội địa và Bộ Tài nguyên nước. Sự hiện diện của họ trong chính phủ mới được giới quan sát tin tưởng là một bước đi đúng đắn.

Sơ đồ đăng trên báo Anh Telegraph chỉ vị trí chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị Syrie bắn hạ ngày 22-6. Ảnh: Telegraph. 

Phát biểu với giới truyền thông Syrie sau khi được bổ nhiệm làm Bộ tưởng Thương mại Nội địa, Qadri Jamil – Thủ lĩnh đảng Mặt trận Nhân dân vì sự thay đổi và giải phóng (PFCL), cho biết sự có mặt của phe đối lập trong chính phủ là “một sự kiện đặc biệt và chưa có tiền lệ” xuất phát từ những thách thức mà nước này đang đối mặt. Tân nghị sĩ quốc hội Syrie cũng nói rằng chính phủ mới được kỳ vọng có thể giúp Syrie thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Về phần mình, tân Bộ trưởng Hòa giải Dân tộc Ali Haidar, cũng là thành viên phe đối lập PFCL, nhấn mạnh rằng chính phủ mới là một bước đi hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai. Theo nhà phân tích chính trị George Gabbou, Bộ Hòa giải Dân tộc có vai trò quan trọng nhất bởi cơ quan này được giao trọng trách vạch ra một giải pháp phù hợp nhằm giúp nước này vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.

Nguy cơ leo thang quân sự sau vụ quân đội Syrie bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi Syrie đang nỗ lực đẩy mạnh việc thực thi các cam kết cải cách để vãn hồi ổn định trong nước, chính phủ mới phải đương đầu với thách thức mới sau khi nảy sinh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc bắt đầu hôm 22-6, khi lực lượng phòng không Syrie bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Latakia ở miền Bắc Syrie, làm bùng phát căng thẳng giữa hai nước láng giềng vốn có mối quan hệ không mấy mặn mòi.

Người phát ngôn quân đội Syrie cho biết chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận của họ và bị quân đội bắn hạ theo qui định của luật pháp đối với những tình huống tương tự. Jihad Makdissi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syrie, cũng khẳng định nước ông không có ý định gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc Syrie bắn máy bay của họ trong không phận quốc tế, dù trước đó thừa nhận rằng chiếc máy bay này “lỡ lấn sang không phận của Syrie”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tuyên bố nước ông không dễ bỏ qua chuyện này và sẽ làm mọi cách cần thiết để đáp trả. Ankara còn yêu cầu lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp vào ngày 26-6 để bàn cách giải quyết vấn đề này. Điều 4 trong Hiến chương NATO qui định bất kỳ một quốc gia thành viên nào cũng có thể yêu cầu tổ chức các cuộc tham vấn nếu cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của họ bị đe dọa.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 25-6 dẫn lời giới quan sát và các nhà phân tích chính trị cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình đưa máy bay chiến đấu tới Syrie khiêu khích để sau đó kích động một hành động quân sự chống lại nước này – điều mà các nước lớn luôn muốn tiến hành nhưng bị các đồng minh của Syrie tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như Nga, phủ quyết. Vụ bắn máy bay, kèm theo sự lên án kịch liệt từ các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ (bao gồm Mỹ, Anh và Ý) đang làm gia tăng lo ngại Syrie có thể đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt quân sự.

THANH TRÚC (Theo Xinhua, CNN)

Chia sẻ bài viết