28/03/2012 - 22:27

Syrie chấp nhận kế hoạch hòa bình của Kofi Annan

Tổng thống Bashar al-Assad được nhiều người dân Syrie đón mừng khi đến khảo sát Bab Amr. Ảnh: AFP

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn A-rập (AL) Kofi Annan hôm 27-3 cho biết Syrie chấp nhận kế hoạch hòa bình do ông đề xuất nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu tại nước này. Tuy nhiên, Mỹ lại tỏ ra hoài nghi, còn phe nổi dậy tại Syrie thì phản đối động thái này của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Kế hoạch hòa bình của ông Annan kêu gọi các bên tham chiến ở Syrie ngừng bắn dưới sự giám sát của LHQ, phải rút binh lính và vũ khí hạng nặng ra khỏi các trung tâm đông dân, đồng thời không cản trở các lực lượng cứu trợ nhân đạo tiếp cận vùng bị ảnh hưởng do xung đột giữa chính phủ và phe nổi dậy. Ngoài ra, kế hoạch kêu gọi Damas phóng thích những người bị bắt trong một năm qua do tham gia nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống al-Assad và cho phép truyền thông quốc tế tác nghiệp tại Syrie. Ông Annan khẳng định việc thực hiện đầy đủ kế hoạch 6 điểm sẽ là chìa khóa để lập lại hòa bình tại Syrie. Kế hoạch này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua và được Nga và Trung Quốc ủng hộ.

Cùng lúc với tuyên bố Damas đồng ý giải pháp hòa bình của ông Annan, Tổng thống al-Assad có chuyến thăm và xuất hiện trước công chúng tại Bab Amr ở Homs, trung tâm của các trận đụng độ ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Tại nơi vừa được quân chính phủ giành lại quyền kiểm soát, ông al-Assad khảo sát tình hình thiệt hại, động viên nhân dân và cam kết “cuộc sống tại nơi này sẽ trở lại bình thường và tốt đẹp hơn trước”.

Trong phản ứng của mình, Mỹ kêu gọi Syrie “sớm biến lời nói thành hành động” như ngừng các cuộc giao tranh. Người phát ngôn Nhà Trắng Victoria Nuland đánh giá quyết định của chính quyền Syrie là “một bước tiến quan trọng”, song phải được chứng minh bằng hành động. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định: “Chúng tôi sẽ đánh giá mức độ chân thành và nghiêm túc của ông al-Assad dựa trên những gì ông làm, không phải những gì ông nói”.

Trong khi đó, tại một cuộc họp kín được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 27-3, các đại diện của 25 phe phái đối lập ở Syrie đã nhất trí chọn Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) làm “đại diện chính thức”, đồng thời từ chối kêu gọi đàm phán từ chính quyền của Tổng thống al-Assad vì cho rằng “đã quá trễ”. SNC nói rằng điều mà họ muốn thấy là việc Damas chấp thuận kế hoạch của Kofi Annan “có thể mở đường cho việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình”, và rằng quan điểm của SNC nhằm buộc ông al-Assad từ chức là không bao giờ thay đổi.

Hội nghị lần này của phe đối lập Syrie diễn ra trước thềm hội nghị “Những người bạn của Syrie” dự kiến được tổ chức vào ngày 1-4 tới cũng tại Istanbul. Động thái trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Clinton hối thúc các phe phái này hợp lực và đưa ra một “quan điểm thống nhất” tại hội nghị ở Istanbul.

Nga đã thông báo không tham dự hội nghị “Những người bạn của Syrie”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Mát-xcơ-va cho rằng cuộc gặp này chỉ nhằm tạo điều kiện cho sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Syrie. Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc kêu gọi ông al-Assad từ chức là “thiển cận”. Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Seoul, ông Medvedev khẳng định: “Mọi người đều biết rằng nếu điều đó xảy ra thì xung đột vẫn tiếp diễn”. Ông khẳng định chính người Syrie, chứ không phải ai khác, là người quyết định số phận của Syrie.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết