21/11/2012 - 21:20

Đọc “Hạt bụi bên nhau”

Suy ngẫm phía sau sự hài hước

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa được đánh giá là một trong những cây bút có duyên ở thể loại truyện trào phúng. Nhiều tập truyện của ông như "Thằng láu cá", "Hoa hậu phường cây mít", "Vua lừa", "Tào lao bộp xịt", "Chuyện chán phèo"…đã để lại ấn tượng với nhiều độc giả. Tập truyện ngắn "Hạt bụi bên nhau" ra mắt vào tháng 9 năm 2012, gồm 25 câu chuyện cũng với giọng điệu hài hước, châm biếm những điều trái khoáy trong cuộc sống mà nhà văn "mắt thấy tai nghe"…
NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM phát hành.

Những ngõ ngách sâu kín trong đời sống hiện đại được nhà văn Lê Văn Nghĩa cơi xới rất khéo tay. Trong "Hạt bụi bên nhau", truyện mở đầu "Bánh mì bì" nói về một anh nhân viên quèn mỗi sáng lại đem một ổ bánh mì bì gởi cho cô thư ký văn phòng, hoặc cô phục vụ căng tin, hoặc Chánh văn phòng công ty có sở thích "ăn bánh mì buổi sáng" và cả bạn bè của anh nhân viên cũng thường được mời ăn bánh mì… Đến một ngày kia, khi anh nhân viên không đem bánh mì cho ai nữa thì mọi người xì xầm bàn tán chắc vì anh ta không đạt được mục đích "gì gì đó" nên bỏ cuộc. Không ai biết, thật ra: "Mỗi sáng đi làm, anh đều dừng lại bên đường để mua giúp cho bà lão một khúc bánh mì…Bây giờ anh không mua bánh mì cho ai nữa vì bà lão đã qua đời mấy hôm nay" (trang 8). Câu chuyện có kết thúc bất ngờ, thú vị cho thấy Lê Văn Nghĩa rất biết cách khơi gợi sự suy ngẫm đằng sau những tiếng cười.

Nhiều điều oái oăm trong cuộc sống cũng làm người ta phải bật cười. Chẳng hạn cái tính "kén cá chọn canh" của một cô gái xinh đẹp, trí thức trong truyện ngắn "Lãng mạn". Cô mơ mộng, đòi hỏi cao, dị ứng với chuyện sinh con đẻ cái nên thẳng thừng từ chối những chàng trai. Cho đến một ngày, cô muốn "yên bề gia thất" thì gặp phải một anh chàng thích tự do, bay nhảy. Truyện "Không như thế này đâu" là cuộc tao ngộ cười ra nước mắt của một đôi tình nhân đã từng yêu nhau say đắm. Ngày xưa nàng thon thả, trẻ trung còn chàng thì đẹp trai, lịch thiệp nhưng ngày gặp lại thì nàng sồ sề, ăn diện se sua còn chàng thì bụng phệ, đầu hói... và cả hai không nhận nhau vì sợ "lầm người".

Nhiều câu chuyện bi hài, dở khóc dở cười về cách ứng xử của các cặp vợ chồng thời đại @. Đơn cử như truyện "Nấu cháo điện thoại", "Nhắn tin", "Những bà vợ khủng bố"… Ấn tượng nhất có lẽ là truyện "Những bà vợ khủng bố" kể về các bà vợ quản lý ông chồng từ xa bằng điện thoại. Để rồi sau đó vợ chồng kéo nhau ra tòa vì các ông chồng không chịu nổi. Lời cảm thán cuối câu chuyện khiến "các bà các chị" phải giật mình xem xét lại: "Yêu chồng, giữ chồng có nhiều cách lắm chị em ơi, khủng bố nhau mà làm gì!?" (trang 130).

Một điều thú vị của "Hạt bụi bên nhau" là độc giả có dịp gặp lại hai nhân vật quen thuộc trên báo "Tuổi Trẻ Cười" là Điệp viên Không Không Thấy và gã Đại Văn Mỗ. Xoay quanh 2 nhân vật này là những vấn đề mang tính thời sự mà dư luận xã hội quan tâm như: vấn nạn đào lấp đường, tham nhũng, bòn rút các công trình công cộng, các quý ông ham của lạ để rồi tiền mất tật mang...

Lê Văn Nghĩa đã phản ánh sự trái khoáy của xã hội hiện đại bằng ngôn ngữ tự nhiên, hài hước. Những câu chuyện có vẻ "đùa như thật, thật như đùa" ấy làm độc giả phải suy ngẫm…

THẢO YÊN

Chia sẻ bài viết