24/10/2014 - 09:34

Sức mạnh hải quân của Ấn Độ

Trong bài viết được đăng tải mới đây, tờ Business Standard cho biết Hải quân Ấn Độ ngày càng hùng mạnh, có thể đối phó bất kỳ kẻ thù nào dưới sự kết hợp giữa tàu sân bay và tàu ngầm.

Đối phó Pakistan và Trung Quốc

Trong nhiều tuần qua, Hải quân Ấn Độ đã triển khai thêm 3 tàu chiến, nâng tổng số tàu chiến lên 140 chiếc. Hiện 41 tàu chiến khác đang trong quá trình đóng mới, trong đó bao gồm cả tàu sân bay có công suất 40.000 tấn INS Vikrant. Tất cả sẽ tham gia vào một lực lượng hải quân được cho sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ Dương.

Tờ Business Standard cho hay sức mạnh tấn công của Hải quân Ấn Độ sẽ tập trung vào ít nhất 2 nhóm tàu sân bay. Theo đó, mỗi tàu sân bay sẽ được hộ tống bởi nhiều tàu hộ tống đa năng, tàu chiến và tàu khu trục, cùng xử lý các mối đe dọa từ tất cả 3 hướng, gồm trên biển, đất liền và trên không. Do được trang bị một lượng lớn vũ khí và các hệ thống cảm biến, các tàu sân bay sẽ chi phối phần lớn đại dương, thiết lập "vùng kiểm soát biển" ở bất cứ nơi nào chúng di chuyển đến.

Đoàn tàu chiến hùng mạnh của Ấn Độ. Ảnh: Indiatvnews

Giới chuyên gia nhận định rằng với chiến lược phong tỏa biển, Hải quân Ấn Độ có thể nắm quyền kiểm soát phía Bắc biển A-rập và qua đó khống chế đối thủ Pakistan bằng một hoặc hai tàu sân bay. Cùng với tàu sân bay, tàu ngầm Ấn Độ sẽ giữ nhiệm vụ ngăn chặn nguồn cung cấp dầu cũng như vũ khí từ các đồng minh Tây Á của Pakistan. Các cuộc tấn công từ đường biển đồng thời sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho một cuộc chiến trên đất liền với Pakistan. Quốc gia cùng khu vực Nam Á này có khoảng 2.900 km biên giới đất liền và 1.046 km đường biên giới ven biển với Ấn Độ.

Sự kết hợp giữa kiểm soát và phong tỏa biển cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo đó, các tàu sân bay sẽ nhanh chóng triển khai nhằm cắt đường dây thông tin liên lạc trên biển (SLOC) vốn cần thiết cho sự chuyển động của tàu chiến và các hạm đội của Trung Quốc qua Ấn Độ Dương. Trong khi đó, tàu ngầm sẽ chốt chặn sự xâm nhập của đối phương từ Ấn Độ Dương như eo biển Malacca, Sunda, Lombok, Ombai và Wetar. Chỉ cần một lực lượng gồm 77 tàu chiến, 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và 85 tàu mang tên lửa, Hải quân Ấn Độ có thể đối đầu với Hải quân Trung Quốc.

Tăng cường hợp tác an ninh khu vực

Cùng với nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân đủ khả năng đối phó Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ chủ trương thúc đẩy hợp tác an ninh biển với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có cùng mối lo tham vọng bành trướng lãnh hải của Bắc Kinh. Tờ Thời báo Ấn Độ mới đây cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Sri Lanka và Maldives, bao gồm hỗ trợ trong việc "xây dựng năng lực" của lực lượng vũ trang thông qua huấn luyện và trang bị thiết bị, phù hợp với chính sách tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia ở Ấn Độ Dương để chống lại sự xâm lấn chiến lược của Trung Quốc tại Nam Á.

Ngoài việc cung cấp nhiều hệ thống radar, súng máy và huấn luyện quân sự thường niên cho Sri Lanka, Ấn Độ đang chuẩn bị hỗ trợ tàu tuần dương và các trang thiết bị hải quân khác cho quốc đảo này. Với Maldives, ngoài việc cung cấp máy bay trực thăng và trang thiết bị giám sát biển, Ấn Độ thường xuyên đưa tàu chiến và máy bay trinh thám tới giúp quốc gia láng giếng nhỏ bé này kiểm soát lãnh hải.

Hải quân Ấn Độ cũng đưa nhiều tàu chiến tới Biển Đông, Nam Ấn Độ Dương và vùng biển phía Đông châu Phi để giao lưu, huấn luyện chiến đấu, tập trận quân sự chung và chia sẻ năng lực đảm bảo an ninh biển.

HOÀNG NAM
(Theo Business Standard, Times of India)

HOÀNG NAM (Theo Business Standard, Times of India)

Chia sẻ bài viết