24/08/2020 - 07:20

Sứ mệnh không dễ dàng 

Nhân cơ hội Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel vừa nhất trí bình thường hóa quan hệ dưới sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, 2 quan chức cấp cao Nhà Trắng sẽ đến Trung Đông tuần này với mục tiêu thuyết phục các nước Arab khác nối gót UAE.

Ngoại trưởng Pompeo (trái) và Cố vấn Kushner. Ảnh: Getty Images

Ngoại trưởng Pompeo (trái) và Cố vấn Kushner. Ảnh: Getty Images

Cụ thể, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến Israel, Bahrain, Oman, UAE, Qatar và Sudan. Trong khi Jared Kushner, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng đồng thời là con rể ông Trump, sẽ công du Israel, Bahrain, Oman, Saudi Arabia và Maroc.

Ngày 13-8 vừa qua, UAE đã đạt được thỏa thuận hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Israel, trở thành quốc gia Arab vùng Vịnh đầu tiên và quốc gia Arab thứ 3 làm việc này, sau Ai Cập và Jordan.

Trong 2 chuyến công du riêng rẽ của Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn Kushner, Washington đặt mục tiêu trong tương lai gần sẽ có ít nhất 1 quốc gia Arab nữa bình thường hóa quan hệ với Israel - đồng minh số 1 của Mỹ trong khu vực. Hiện có 2 ứng viên sáng giá là Bahrain và Oman. Sudan gần đây cũng tỏ ra quan tâm tới một thỏa thuận theo kiểu UAE.

Tuy mục tiêu khá khiêm tốn như vậy nhưng cũng không dễ thực hiện. Nên nhớ rằng để đi đến thỏa thuận, UAE, Israel và Mỹ đã phải đàm phán rất lâu, riêng  Abu Dhabi chịu áp lực rất lớn từ khối Arab khi thiết lập bang giao với Tel Aviv. Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh cho rằng việc UAE bình thường hóa quan hệ với Israel là “vi phạm rõ ràng sự đồng thuận Arab đối với sự nghiệp của người Palestine”, thậm chí gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng”. Theo ông Shtayyeh, mọi thỏa thuận bình thường hóa đều nhằm hợp pháp hóa việc nhà nước Do Thái chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine. Azzam el-Ahmad, thành viên cấp cao phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, thì cảnh báo UAE sẽ bị cô lập với thế giới Arab.  Trước mắt, Palestine đã quyết định rút khỏi Triển lãm Thế giới (World Expo 2020), dự kiến diễn ra tại UAE vào tháng 10 tới.

Ngay cả Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ trong khu vực, cũng không cho thấy sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan nêu rõ “người Palestine phải có được hòa bình” trên cơ sở các thỏa thuận quốc tế, đây là điều kiện tiên quyết để có bất kỳ động thái nào bình thường hóa quan hệ với Israel.

Phát biểu này cũng phù hợp với quan điểm của Liên đoàn Arab (AL, tổ chức qui tụ 22 quốc gia thành viên). Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit khẳng định quan hệ bình thường và toàn diện giữa Israel và Arab chỉ có thể đạt được khi người Palestine giành được tự do và độc lập.

Cần nhắc lại rằng, Cố vấn Kushner là “kiến trúc sư trưởng” của kế hoạch hòa bình Trung Đông công bố hồi đầu năm nay, vốn được Tổng thống Trump đánh giá là “thỏa thuận thế kỷ”. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Palestine cũng như AL vì cho rằng nó thiên vị Israel.

Ngoài ra, việc bình thường hóa quan hệ với Israel chưa chắc mang lại lợi ích cho các nước Arab, chẳng hạn như trong lĩnh vực quốc phòng. Tuần rồi, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối thương vụ bán máy bay chiến đấu tối tân F-35 của Mỹ cho UAE, viện cớ: “Thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE không bao gồm sự chấp thuận của Israel đối với bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào giữa Mỹ và UAE”.

Không chỉ riêng UAE, tuyên bố của Tel Aviv còn nhấn mạnh: “Thủ tướng Netanyahu phản đối việc Mỹ bán máy bay F-35 và các vũ khí tiên tiến khác cho bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông, trong đó có cả những nước đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết