24/07/2013 - 22:40

Đọc “Một chuyến đi xa”

Sự lựa chọn của tuổi trẻ trong những năm kháng chiến chống Mỹ

 

Bối cảnh của truyện là những năm kháng chiến chống Mỹ, ca ngợi tinh thần yêu nước của một thế hệ thanh niên qua chuyện đời của cậu bé Mẫn, bắt đầu từ lúc em là đứa trẻ lang thang đến lúc trở thành thiếu niên và tham gia họat động cách mạng.
Truyện vừa của Đào Hiếu, NXB Trẻ phát hành tháng 3 năm 2013.

Mồ côi cha mẹ từ lúc 10 tuổi, Mẫn trôi dạt đến Sài Gòn, được nhận vào làm công ở một vựa rau cải, chợ Cầu Muối. Năm Mẫn 14 tuổi, cũng là lúc chính quyền Mỹ - Ngụy đang ra sức đàn áp phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Tình cờ, Mẫn cứu Tuấn - một chiến sĩ cách mạng bị thương nặng sau trận đàn áp biểu tình. Nhiều lần chứng kiến những câu chuyện cảm động khi người dân đùm bọc, cưu mang những chiến sĩ bị bọn Mỹ - Ngụy đàn áp, Mẫn theo Tuấn gia nhập lực lượng kháng chiến…

Truyện gây ấn tượng từ phần mở đầu, khắc họa về số phận hẩm hiu  của Mẫn. Đó là khi cái đói bao trùm lên một vùng quê nghèo khó ở Bình Định, làm chết nhiều người trong làng và cả người thân của Mẫn, khiến em phải tự bươn chải mưu sinh. Ấn tượng nhất ở phần này có lẽ là hình ảnh cậu bé Mẫn ngồi co ro ở nhà ga trong đêm lạnh, ánh mắt ráo hoảnh, đau buồn, thòm thèm nửa ổ bánh mì của một người ăn xin - được nhà văn Đào Hiếu miêu tả súc tích, toát lên niềm cảm thương sâu sắc cho số phận của những đứa trẻ là nạn nhân của chiến tranh.

Rất nhiều trang viết ấm áp tình người khi Mẫn tìm được chốn dung thân nơi phố thị nhờ lòng tốt của những người lao động nghèo như bác soát vé tàu, dì Tư, con Lý... Sách mở ra những trang tràn ngập niềm tin và hy vọng cho Mẫn khi Mẫn gặp Tuấn, chiến sĩ cách mạng đang bí mật làm nhiệm vụ trong thành phố. Mẫn được Tuấn dạy đọc chữ, được nghe kể chuyện về những tấm gương yêu nước, những anh hùng thiếu niên đánh Mỹ… Ý thức về  sự đấu tranh cho hòa bình của đất nước bắt đầu nhen nhóm trong Mẫn.

“Một chuyến đi xa” còn là bức tranh chân thực về cuộc sống đầy bất công, áp bức của người dân dưới sự cai trị của chính quyền Mỹ-Ngụy. Đó là số phận đáng thương của anh lính đào ngũ tên Hợi, trên đường đưa tang mẹ bị bọn Mỹ bắn chết, là bà lão ăn xin đang lê lết bên đường bị chiếc xe nhà binh của bọn Mỹ nhẫn tâm cán qua, hay cảnh đoàn học sinh, sinh viên đi biểu tình bị đàn áp, đánh đập dã man… Truyện khép lại ý nghĩa khi Mẫn đem toàn bộ số tiền dành dụm gởi cho vợ con của Hợi trang trải cuộc sống, rồi em khăn gói lên đường theo Tuấn vào vùng kháng chiến.

“Một chuyến đi xa” được viết bằng bút pháp giản dị và chuẩn mực,  xứng đáng được các em nhỏ tìm đọc trong những ngày hè này.

    BÍCH VÂN

 

Chia sẻ bài viết