Các nhà lập pháp Pakistan đã chọn Raja Pervaiz Ashraf, ứng viên do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đề cử, làm Thủ tướng mới, thay thế ông Yousuf Raza Gilani, vừa bị Tòa án Tối cao nước này phế truất vì tội “nhạo báng bộ máy tư pháp”. Đây là một trong những nỗ lực của PPP và các đối tác trong liên minh cầm quyền nhằm duy trì hoạt động của chính phủ sau những ngày lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc chọn Ashraf dường như chẳng thể xoa dịu được tình hình cẳng thẳng hiện nay ở Pakistan và không ít người dự đoán tân thủ tướng quốc gia Nam Á này sẽ có số phận tương tự như người tiền nhiệm.
 |
Tân Thủ tướng Pakistan Raja Pervaiz Ashraf.
Ảnh: Thenewstribe.com |
Ashraf là lựa chọn thứ hai của PPP để thay thế Gilani, người bị Tòa án Tối cao Pakistan truất tư cách thủ tướng hôm 18-6 vừa qua vì khi không chấp hành lệnh của tòa về việc đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với cấp trên của ông là Tổng thống Asif Ali Zardari. Người đầu tiên được Tổng thống Zardari và PPP tiến cử là Bộ trưởng Dệt may Makhdoom Shahabuddin. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi Shahabuddin bị Tòa án Tối cao Pakistan ra lệnh bắt khẩn cấp vì liên quan đến việc nhập khẩu phi pháp một số loại thuốc vào năm 2010, thời ông còn làm Bộ trưởng Y tế. Nhiều nguồn tin cho biết lệnh bắt này xuất phát từ lực lượng chống ma túy dưới quyền điều hành của quân đội vốn có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Tổng thống Zardari và chính phủ của Thủ tướng Gilani trong thời gian gần đây.
Nay, Ashraf được chọn thay thế Gilani nhưng vấn đề mấu chốt khiến Gilani ra đi vẫn còn. Đó là yêu cầu của tòa án về việc mở cuộc điều tra các cáo buộc có liên quan đến Tổng thống Zardari. Nếu tiếp tục chống lệnh tòa, Ashraf sẽ khó tránh khỏi kết cục như Gilani. Hơn nữa, bản thân tân Thủ tướng Ashraf cũng gây nhiều tranh cãi. Ông từng có thời gian làm Bộ trưởng Nước và Năng lượng Pakistan trước khi đệ đơn từ chức hồi năm rồi vì những cáo buộc liên quan tới tham nhũng và thất bại trong nỗ lực chấm dứt tình trạng thiếu điện kinh niên ở quốc gia Nam Á này. Lãnh đạo một số đảng đối lập quan trọng trong Quốc hội Pakistan đã lên tiếng dọa “sẽ rút lui đồng loạt” khỏi cơ quan lập pháp Pakistan để phản đối việc Ashraf được chọn làm Thủ tướng Pakistan.
Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, việc Quốc hội Pakistan do PPP và các đối tác nắm quyền kiểm soát chọn Ashraf làm Thủ tướng Pakistan chỉ là giải pháp tình thế nhằm duy trì hoạt động của chính phủ cho đến hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 3 năm sau và không loại trừ khả năng sẽ có tổng tuyển cử trước thời hạn trong năm nay.
NHẬT QUANG