Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch sơ tán và cấp thị thực cho những người làm phiên dịch và các công việc khác hỗ trợ lực lượng liên quân ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua. Song, “giấc mơ Mỹ” của họ còn quá xa.
Hội chứng SIV
Một nhóm các phiên dịch viên người Afghanistan kêu cứu. Ảnh: AP
Shoaib Walizada, một trong số hàng ngàn người Afghanistan được Chính phủ Mỹ tuyển dụng làm phiên dịch, là trường hợp điển hình. Chỉ vì Walizada hồi năm 2013 lên tiếng phàn nàn rằng quân phục anh nhận được là quá nhỏ, “giấc mơ Mỹ” của anh đã tan biến khi mà đơn xin cấp thị thực nhập cư đặc biệt (SIV) của anh bị từ chối do “hành vi thiếu chuyên nghiệp”. Một số đồng nghiệp anh thậm chí bị từ chối mà không có lý do rõ ràng nào.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2020, 1.646 người Afghanistan bị từ chối cấp SIV - chương trình thị thực cho phép những người Iraq và Afghanistan từng làm việc cho quân đội hoặc Chính phủ Mỹ di tản đến xứ cờ hoa. Trong số các lý do họ bị từ chối cấp SIV là do không chứng minh được thời gian đã phục vụ cho quân đội Mỹ, không đủ tài liệu, không “trung thành” hay “xúc phạm” quân đội Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul cho hay, có tới hơn 18.000 người Afghanistan đang chờ quyết định chấp thuận đơn xin cấp SIV.
Được biết, chương trình cấp SIV được Quốc hội Mỹ thông qua lần đầu tiên hồi năm 2006. Song, chương trình này từ lâu bị trì hoãn do thiếu nhân viên cũng như thiếu cơ sở dữ liệu tập trung. Nhiều phiên dịch viên phàn nàn họ phải đợi hàng tháng, thậm chí là hàng năm mới nhận được quyết định. Một số người còn đùa rằng họ mắc “Hội chứng SIV” khi phải liên tục vào trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ để theo dõi thông tin.
Bị Taliban dọa giết
Trong bối cảnh quân đội Mỹ sắp rút khỏi Afghanistan, việc xin cấp thị thực trở nên cấp thiết, bởi nhiều cựu phiên dịch viên nói rằng họ nhiều khả năng bị sát hại. “Tôi nhận được nhiều cuộc gọi đe dọa lấy mạng từ Taliban. Chúng biết tôi là ai và biết tôi từng làm việc cho người Mỹ” - Walizada cho biết.
Tổ chức phi lợi nhuận “Không ai bị bỏ lại phía sau” chuyên đưa các phiên dịch viên Afghanistan đến Mỹ cho biết đã có hơn 300 phiên dịch viên hoặc thành viên gia đình họ bị sát hại kể từ năm 2014, trong khi hàng ngàn người nộp đơn xin cấp SIV nhận thư đe dọa từ Taliban. Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 7-6 vừa qua, Taliban cho biết các phiên dịch viên người Afghanistan sẽ “không gặp rủi ro nào từ phía chúng tôi” nhưng họ “nên hối hận về những gì họ đã làm trước đây và không tham gia vào các hoạt động như vậy sau này”. Taliban lập luận rằng việc Washington rút quân khỏi Afghanistan đã làm thay đổi thái độ của chúng đối với hàng ngàn công dân Afghanistan từng hợp tác với Mỹ trong 20 năm qua. Dẫu vậy, tuyên bố này làm dấy lên sự hoài nghi, bởi nó được đưa ra giữa lúc Taliban tiến hành chiến dịch ám sát có chủ đích, giết hại hàng chục dân thường, nhân viên chính phủ, lực lượng an ninh cũng như nhân viên truyền thông.
Trong bối cảnh trên, các nhà lập pháp Mỹ, giới cựu quan chức an ninh quốc gia cũng như các nhóm vận động đã hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ đẩy nhanh quá trình cấp SIV. Trong bức thư gửi lên Tổng thống Joe Biden hôm 19-5, 20 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa nhấn mạnh, các nhân viên người Afghanistan đã cứu mạng binh sĩ và nhà ngoại giao Mỹ, qua đó bày tỏ mong muốn bổ sung thêm 20.000 suất SIV, đồng thời kiến nghị các ứng viên xin cấp thị thực nên được sơ tán sang nước thứ 3 đề chờ đợi quyết định chính thức.
Các nước thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng đang đẩy mạnh quá trình cấp thị thực cho những người Afghanistan đủ điều kiện. Hôm 31-5, Chính phủ Anh công bố kế hoạch đưa khoảng 3.000 phiên dịch viên và những người khác từng phục vụ cho quân đội và chính phủ nước này đến xứ sương mù.
Các phiên dịch viên Afghanistan được coi là “tai mắt” của quân đội Mỹ, giúp Washington “dòm ngó” các bộ lạc và làm hạ nhiệt căng thẳng sắc tộc. Hầu hết phiên dịch viên đều che mặt và dùng các biệt danh của người Mỹ như Mike hay Charlie, đặc biệt là khi phiên dịch trong các vụ trao đổi tù nhân Taliban, bởi một số tù binh thường dọa lấy mạng họ khi chúng được trả tự do. Quan trọng hơn, họ là cầu nối giữa các chỉ huy Mỹ với giới chức địa phương Afghanistan - lực lượng nồng cốt trong nỗ lực chống quân nổi dậy của Mỹ.
TRÍ VĂN (Theo NYT, The Diplomat)