20/01/2010 - 20:48

Sinh viên và buồn vui nghề giúp việc

Do công việc dễ làm, linh động, có thể thay đổi theo lịch học nên thời gian gần đây, rất nhiều sinh viên (SV) đang theo học tại các trường đại học ở TP Cần Thơ chọn làm “ô sin” thông qua Dịch vụ “Ô sin thời đại” của Công ty TNHH Dịch vụ và địa ốc Đất Phương Nam (cơ sở ở số 86 Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều) để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Đằng sau nỗi nhọc nhằn, biết bao chuyện vui buồn đã xảy ra đối với các tân cử nhân trong cái nghề làm dâu thiên hạ này.

Một năm nay, nhờ làm thêm ở Dịch vụ “Ô sin thời đại”, Trương Thành Trung, SV năm 3 khoa Khoa học chính trị, đỡ được khoản tiền nhà, điện nước hàng tháng. Trung ở chung phòng với 3 người bạn nữa trên đường 3 Tháng 2, phường Hưng Lợi, tất cả đều đi làm thêm. Trung kể: “Một tháng em kiếm được khoảng 300.000 đồng, tùy theo lịch học nhiều hay ít. Nhà em ở An Giang, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy công ruộng, rất khó khăn. Biết cha mẹ ở quê kiếm tiền cực khổ nên em quyết định đi làm, đỡ đần phần nào gánh nặng cho gia đình. Em thường chơi chung nhóm những bạn vừa học vừa làm thêm trong lớp để động viên nhau vượt khó”. Cuối năm thứ nhất, Trung đã đi phát tờ rơi quảng cáo, giữ xe cho các tiệm ăn. Nhưng thức đêm nhiều quá chịu không nổi, nghe bạn bè giới thiệu, Trung chuyển qua làm “ôsin” và trụ luôn tới giờ. Cực nhưng Trung học rất giỏi, thường xuyên lãnh học bổng của trường, là Bí thư chi đoàn lớp, được bạn bè yêu mến.

SV Trương Thành Trung (bên phải) và Trần Tấn Nhứt đang làm vệ sinh nhà cho một hộ gia đình.  

Trần Tấn Nhứt, SV năm thứ 2 Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, cũng là một thành viên khá lâu năm với dịch vụ trên. Quê Nhứt ở tận Cà Mau, cha mẹ không đủ điều kiện chu cấp, từ giữa năm 2008, Nhứt đã tham gia làm việc ở Dịch vụ “Ô sin thời đại”. Sau giờ lên lớp, theo sự phân công của công ty, Nhứt đi lắp ráp vách ngăn, chuyển đồ đạc cho các công trình và một số công ty bảo hiểm trong thành phố, quét rác trong siêu thị, lau sàn, tổng vệ sinh nhà cho các hộ gia đình... Nhứt tâm sự: “Công việc ít khi nào lặp lại, đi hết nơi này đến nơi khác nên cũng vui. Tụi em làm nghiêm túc lắm, không dám để sơ suất nên đa phần khách hàng đều hài lòng”. Nguyễn Thành Sơn, SV năm thứ 3 khoa Công nghệ thông tin, quê An Giang, là lính mới của Dịch vụ “Ôsin thời đại” được nửa năm nay. Sơn kể: “Nhà em có 9 anh em, ở vùng sâu, chỉ mình em được học cao nhất nên cuộc sống khá vất vả. Lần đầu tiên đi giúp việc nhà, em hơi bị sốc vì chủ sai đủ thứ chuyện, làm hơi chậm là bị la. Bây giờ quen rồi, trước đây em có đi làm hồ ở quê nên giờ công việc nặng nhọc cỡ nào cũng chịu được. Em chỉ nhận làm cho những gia đình trong nội ô thành phố, không dám đi xa vì sợ ảnh hưởng việc học”.

Theo anh Trần Minh Tuấn, giám sát Công ty TNHH Dịch vụ và địa ốc Đất Phương Nam, ở Dịch vụ “Ôsin thời đại”, công việc rất đa dạng: giúp việc hộ gia đình, dọn dẹp, tân trang, vệ sinh công trình, bệnh viện, siêu thị, nhà xưởng, chuyên chở đồ đạc, cũng có khi làm phụ hồ, trang trí lễ tiệc... Công việc không đòi hỏi chuyên môn cao, chỉ cần có thời gian rảnh là làm được nên rất đông SV chọn lựa. Để được nhận vào làm, SV phải có lý lịch rõ ràng. Trước khi nhận việc, các bạn sẽ được phỏng vấn để chọn việc theo sở thích, sức khỏe, sau đó được tập huấn nghiệp vụ, các kỹ năng sử dụng máy móc, giao tiếp với chủ nhà... Đầu tuần, SV dựa vào lịch học của mình, đến công ty đăng ký ngày làm, để lại số điện thoại, hễ có việc là giám sát của công ty gọi liền. Thông thường, SV được trả 60.000 đồng/ngày (8 giờ), làm ngoài giờ hoặc làm ở độ cao được trả thêm tiền, nếu đi xa có tiền xăng xe, bao ăn trưa, làm tốt có chế độ thưởng riêng.

Đồng Văn Diệu, đang theo học Dược sĩ, là một trong những SV bám trụ lâu nhất ở Dịch vụ “Ôsin thời đại”. Diệu nhìn rất hiền, da sạm đen vì nắng gió. Một chiều chủ nhật giữa tháng Giêng năm 2010, nhìn Diệu treo mình trên cao để chùi cửa kính cho một ngân hàng trên đường Hùng Vương, tôi không khỏi rùng mình. Diệu cười tươi để tôi ghi hình, bàn tay thô ráp lau vội những giọt mồ hôi đang túa ra như tắm. Quê Diệu ở một ấp vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, nhà rất nghèo. Đông anh em, cha mẹ sức khỏe yếu nên từ nhỏ Diệu đã quen với tay cày tay cuốc, làm thuê kiếm tiền đi học. Diệu đang thuê nhà trọ trong hẻm 216 đường 3 Tháng 2, phường Hưng Lợi. Hôm chúng tôi lại thăm, gần 9 giờ tối nhưng Diệu vẫn chưa ăn cơm. Một ngày tiền ăn của Diệu gói gọn trong khoảng 10.000 đồng nên Diệu thường học bài đến khuya, đói thì ăn mì. Trong nhà trọ nơi Diệu ở, SV coi nhau như anh em, san sẻ gạo, mắm những lúc khó khăn nên cuộc sống của Diệu cũng đỡ được phần nào. Sống tự lập, vừa lo tiền ăn và học phí nên Diệu không nề hà cực khổ, gắng sức làm để kiếm thêm thu nhập. Diệu thường theo công trình đi tỉnh cả tuần mới về, nếu công trình gấp, Diệu sẵn sàng thức sáng đêm làm việc. Chịu khó nên Diệu là mối ruột của công ty, hễ có việc là giám sát kêu làm. Hiện tại, trung bình Diệu kiếm được khoảng 600.000 đồng/tháng. Diệu kể: “Thu nhập thường thấp so với những nghề khác nhưng ổn định, mình chủ động được giờ giấc, làm ngày nào lấy tiền ngày đó, rất thoải mái nên phù hợp với em”. Dù phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống nhưng Diệu không xao nhãng việc học. Diệu nghĩ: “Mình có cả đời để kiếm tiền nhưng chỉ có mấy năm đi học nên phải cố gắng”, hễ thấy vừa đủ sống là Diệu tạm nghỉ làm, lo bài vở. Diệu cho biết đang dành dụm để sau này học liên thông, có nghề nghiệp ổn định, nuôi ba má. Thời gian gần Tết công việc rất nhiều vì ai cũng muốn sửa sang, tân trang nhà xưởng ăn Tết, Diệu và các bạn thường xuyên làm đêm. Mấy năm nay, chiều 30 Tết Diệu mới về quê, chở theo niềm vui là những gói quà, bao lì xì được khách hàng tặng.

Biết bao kỷ niệm vui buồn trong những ngày rong ruổi làm thêm, bạn nào cũng đã từng gặp sự cố. Có chủ nhà khó tính, SV vừa vệ sinh nhà xong, chủ đi kiểm tra bắt làm lại, lố giờ cũng phải chịu. Dù được trang bị nón bảo hộ, khẩu trang, bao tay nhưng đôi lúc các bạn cũng không tránh được những tai nạn nghề nghiệp như đứt tay chân, vệ sinh cầu thang trơn bị té, lau các đồ điện bị chạm mạch điện giật, đồ vật rơi trúng người, vệ sinh các công trình trên cao phải đu dây rất nguy hiểm... Diệu kể: “Có lần em đến làm vệ sinh cho một công ty, đang làm thì ông chủ có việc bực mình, đuổi về, ngày đó em không được lãnh lương vì không hoàn thành nhiệm vụ. Đạp xe về giữa trưa nắng gắt, bụng đói meo mà muốn khóc”. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ nhà tốt bụng, biết là SV đi làm thêm nên rất thương, cho thêm tiền, đồ ăn, ghi số điện thoại để lần sau có việc kêu làm. Những mối làm thường xuyên Tết còn tặng SV quà, quần áo, lì xì...

Bên cạnh những SV tìm việc làm thông qua dịch vụ, hiện nay, có một số SV tự nhận giúp việc lặt vặt cho vài hộ gia đình quen ở nơi mình trọ học. Phạm Ngọc Nga, đang học năm thứ tư ngành Luật, đang ở trọ trên đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh. Lúc đầu, Nga chở chủ nhà trọ đi chợ, sau đó giúp nấu ăn, ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa... Bây giờ chủ nhà coi Nga như thành viên trong gia đình, được bao ăn, thỉnh thoảng chủ nhà còn giới thiệu Nga đi làm thêm những mối khác. Nga cho biết: “Đối với em, việc học là quan trọng nhất. Làm thêm bây giờ để giải quyết khó khăn trước mắt nên em chỉ nhận làm khi đã chu toàn bài vở”.

Anh Trần Minh Tuấn, giám sát Công ty TNHH Dịch vụ và địa ốc Đất Phương Nam, cho biết: “Mấy năm gần đây, số lượng SV tìm đến công ty làm thời vụ rất đông, hiện có khoảng 200 SV làm cố định. Đa phần đối tác của công ty rất thích nguồn lao động SV vì các em dễ thương, siêng năng, thật thà, hiền lành, làm việc kỹ lưỡng. Ngoài lương căn bản, công ty còn có chế độ thưởng Tết, hỗ trợ tiền ngoài giờ, tạo điều kiện để các em gắn bó lâu dài với công ty, có thêm thu nhập phục vụ việc học tốt hơn. Tôi tin rằng những SV đang khó nhọc mưu sinh, vừa học vừa làm rồi sẽ thành công, bởi ngay từ bây giờ, các em đã biết vun đắp tương lai, trui rèn cho mình một ý chí không lùi bước trước gian khó”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết