Mỹ và Pháp, với sự đồng bảo trợ của Anh và Panama, vừa đệ trình một dự thảo nghị quyết chống hải tặc trên vùng biển Somalie lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Dự thảo nghị quyết bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng các vụ hải tặc tấn công, đe dọa nghiêm trọng các tàu thuyền đi qua tuyến đường hàng hải quốc tế này. Theo dự thảo nghị quyết, chính phủ các nước có quyền sử dụng “tất cả những biện pháp cần thiết để xác định, ngăn chặn, phòng ngừa và trấn áp các băng nhóm hải tặc và cướp có vũ trang” ngoài khơi biển Somalie. Đại sứ Pháp tại LHQ Jean-Maurice Ripert cho biết dự thảo nghị quyết cho phép chính phủ các nước truy đuổi tàu hải tặc trên lãnh hải Somalie và có quyền bắt giữ cũng như xét xử bọn chúng. Đại sứ Mỹ tại LHQ Zalmay Khalilzad thì tuyên bố chính quyền lâm thời ở quốc gia vùng sừng châu Phi này hiện nay không có khả năng giải quyết vấn nạn hải tặc, vì vậy đây là thời điểm LHQ phải hành động.
|
Một tên hải tặc bị binh sĩ Somalie bắt giữ. Ảnh: Reuters |
Quả thật, Somalie hiện nay không có một chính quyền trung ương đủ năng lực tự đảm bảo an ninh, đặc biệt là chưa có lực lượng hải quân để duy trì an ninh trên biển (Somalie có bờ biển dài nhất châu Phi với 1.880 hải lý, là nơi kết nối Biển Đỏ với Ấn Độ Dương). Những năm qua, vùng biển này xảy ra nhiều vụ cướp của, bắt cóc và thậm chí giết người gây chấn động dư luận quốc tế. Từ tháng 10-2007, chính quyền Somalie bắt đầu cho phép lực lượng hải quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đến đây tuần tra nhưng tình hình bất ổn an ninh vẫn không thuyên giảm. Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây có tới 3 vụ tàu chở hàng hóa, du lịch và đánh cá của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Pháp và Tây Ban Nha bị hải tặc bắt cóc ngoài khơi biển Somalie. Tây Ban Nha phải bỏ ra 1,2 triệu USD tiền chuộc để cứu lấy 26 thủy thủ, còn Pháp chi 2 triệu USD để đổi lấy mạng sống 30 công dân của mình. Mới đây nhất là vào ngày 21-4, một tàu chở dầu của Nhật Bản đang đi trên Vịnh Aden bị hải tặc bắn làm hàng trăm ga-lông dầu chảy xuống biển.
Ngoài việc để Hải quân Mỹ đảm bảo an ninh trên biển, chính quyền Somalie mới đây cũng yêu cầu LHQ hỗ trợ ngăn chặn nạn hải tặc hoành hành trên vùng biển nước này. Năm ngoái, Tổ chức Hàng hải Quốc tế trực thuộc LHQ từng hai lần gởi thư cho Tổng thư ký Ban Ki-moon báo cáo về tình thế cấp bách trên biển Somalie. Tuy vậy, chỉ khi hai nước lớn của châu Âu là Pháp và Tây Ban Nha trở thành nạn nhân thì vấn đề hải tặc mới được LHQ quan tâm nhiều hơn.
Đại sứ Nam Phi tại LHQ Dumisani Kumalo, hiện là chủ tịch luân phiên HĐBA, cho biết các nước thành viên HĐBA nhìn chung ủng hộ một nghị quyết chống hải tặc và sẽ sớm nghiên cứu dự thảo nghị quyết do Mỹ-Pháp đệ trình. Đại sứ Pháp Ripert cho biết một nghị quyết chống hải tặc trên biển Somalie là bước khởi đầu để cộng đồng quốc tế tham gia đảm bảo an ninh ở nhiều vùng biển bất ổn khác trên thế giới như tại Đông Nam Á, Nigeria.
Các nhà phân tích cho rằng việc HĐBA thông qua một nghị quyết tạo điều kiện để các nước hợp tác chống hải tặc trên vùng biển Somalie là cần thiết, nhưng có người vẫn lo ngại một số cường quốc sẽ lợi dụng cơ hội này để xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước khác.
V.P (Theo BBC, AFP, AP, Guardian)