Trong cuộc gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino ngày 2-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo hành động chống lại quốc gia Trung Mỹ này nếu họ không hạn chế lợi ích của Trung Quốc đối với kênh đào nối liền Ðại Tây Dương - Thái Bình Dương do Washington xây dựng từ đầu thế kỷ 20.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio (trái) gặp Tổng thống Panama Mulino ngày 2-2. Ảnh: UPI
Panama trước sức ép của Mỹ
Kênh đào Panama trở thành điểm nóng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có tuyên bố gây tranh cãi về việc sẽ “lấy lại” quyền kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng này. Theo ông Trump, Panama đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước bàn giao khi “để Trung Quốc kiểm soát” tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km phân chia Bắc và Nam Mỹ. Có 2 trong số 5 cảng dọc theo kênh đào hiện do công ty con Hutchinson Ports của tập đoàn CK Hutchinson Holdings trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) điều hành. Hutchinson Ports là một trong những công ty khai thác cảng lớn nhất thế giới, giám sát 53 cảng tại 24 quốc gia bao gồm một số đồng minh của Mỹ như Anh, Úc và Canada.
Chính phủ Panama lẫn Trung Quốc đều phủ nhận Bắc Kinh đang sở hữu Kênh đào Panama. Nhưng phát biểu trước chuyến đi, Ngoại trưởng Rubio lần nữa chuyển thông điệp từ Tổng thống Trump, rằng sự hiện diện của Bắc Kinh thông qua CK Hutchinson Holdings là hiểm họa đối với tuyến đường thủy đông đúc thứ hai thế giới. Theo ông Rubio, ảnh hưởng của Trung Quốc lớn tới mức họ có thể yêu cầu bất cứ điều gì kể cả đóng cơ sở hạ tầng này trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trước mối đe dọa trực tiếp như vậy, ông Rubio tại cuộc gặp nhà lãnh đạo Panama đã nêu rõ Mỹ “không chấp nhận” tình trạng hiện tại và nếu Panama không ngay lập tức chấm dứt sự kiểm soát và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhà Trắng sẽ phải thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình theo Hiệp ước cho phép chuyển giao mà cả 2 ký năm 1977. Tuy nhiên, ông Rubio không nêu rõ các bước cụ thể mà Panama phải thực hiện hoặc Washington sẽ trả đũa thế nào.
Trước áp lực từ Mỹ, Tổng thống Mulino khẳng định chủ quyền của Panama đối với kênh đào là vấn đề không cần thảo luận. Nhà lãnh đạo này cũng lên tiếng trấn an khi nói rõ không có bất kỳ mối đe dọa thực sự nào đối với hiệp ước trung lập cũng như nguy cơ sử dụng vũ lực quân sự ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, ông Mulino đề xuất các cuộc đàm phán kỹ thuật để giải quyết những lo ngại, bao gồm đối thoại trực tiếp với Tổng thống Trump.
Trong động thái thể hiện thiện chí, Tổng thống Mulino cho biết chính quyền Panama đang tiến hành kiểm toán công ty Panama Ports Company mà Hutchinson Ports nắm giữ cổ phần. Chính phủ Panama cũng sẽ xét lại các thỏa thuận liên quan Trung Quốc và các doanh nghiệp đại lục. Ngoài ra, theo lời Tổng thống Mulino, Panama sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ năm 2017 tham gia đóng góp vào Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Thay vào đó, quốc gia Trung Mỹ sẽ tìm cách hợp tác với Nhà Trắng trong các khoản đầu tư mới và phối hợp hơn nữa về vấn đề di cư.
“Sân trước” của Trung Quốc?
Panama là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Rubio với tư cách người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Tiếp theo, ông Rubio sẽ tới Guatemala, El Salvador, Costa Rica và Cộng hòa Dominica.
Ngoài trọng tâm giải quyết căng thẳng quanh kênh đào Panama, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết chuyến công du của ông Rubio tới các nước lân cận vùng Caribe là nhằm “đối phó Trung Quốc”. “Châu Mỹ Latinh ngày nay trông giống sân trước của Trung Quốc hơn là sân sau của Mỹ” - cựu ứng cử viên tổng thống Peru Julio Armando Guzmán từng đánh giá trên Tạp chí Time năm 2023.
Theo Giáo sư Adrian Hearn, sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực đã lan rộng và không ngừng gia tăng. Trong chưa đầy 2 thập kỷ, Trung Quốc đã chuyển mình từ nước ảnh hưởng hạn chế thành nhà đầu tư hàng đầu và đối tác thương mại lớn nhất nhì của hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với khu vực tăng 26 lần từ 12 tỉ USD lên 315 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2020. Con số này được dự đoán tăng gấp đôi vào năm 2035 khi nhóm doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào các dự án hỗ trợ sản xuất ô tô, điện thoại di động, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và loạt sản phẩm gia tăng giá trị khác ở Mỹ Latinh.
Trong quá trình “ngoại giao đô la”, Ðài Loan là bên bị ảnh hưởng nặng nề khi Panama cắt đứt quan hệ với hòn đảo này vào năm 2017 và lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cộng hòa Dominica và El Salvador cũng chuyển quan hệ ngoại giao từ Ðài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 2018, tiếp theo là Nicaragua và Honduras vào năm 2021 và 2023. Khoảng 20 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đã ký kết BRI.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trong ngày 3-2, ông sẽ thảo luận với lãnh đạo Canada và Mexico về mức thuế trừng phạt mà ông đã áp dụng đối với cả 2 nước này. Phát biểu với báo giới khi về thủ đô Washington tối 2-2 sau một tuần ở Florida, Tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi không mong đợi điều gì quá kịch tính”.
Là người ủng hộ nhiệt thành việc áp dụng thuế quan, ông Trump luôn khẳng định rằng tác động của chúng sẽ do các nhà xuất khẩu nước ngoài chịu, mà không chuyển sang người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cũng thừa nhận trên mạng xã hội Truth Social hôm 2-2 rằng người tiêu dùng Mỹ có thể chịu tác động của mức thuế 25%, song nhấn mạnh “điều đó sẽ đáng giá” để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại và tất cả sẽ xứng đáng với cái giá phải trả”.Ông Trump cho biết: “Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Canada, Mexico và Trung Quốc (và hầu hết các quốc gia khác!), nợ 36.000 tỉ USD”.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 2-2 cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau để trao đổi về những thách thức chung sau khi Tổng thống Mỹ thông qua sắc lệnh áp 25% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ 2 nước này vốn sẽ có hiệu lực từ ngày 4-2.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, ABC NEWS)