Ngày 2-2, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa đã đến Saudi Arabia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông được chỉ định vào vị trí này trong chính quyền chuyển tiếp. Chuyến thăm có thể báo hiệu sự thay đổi trong quan hệ giữa Syria và đồng minh chính trong khu vực là Iran.
Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (trái) bắt tay Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vào ngày 2-2.
Ông al-Sharaa và Ngoại trưởng Asaad al-Shaibani đã được các quan chức Saudi Arabia tiếp đón khi đặt chân đến thủ đô Riyadh. Sau đó, ông al-Sharaa hội đàm với Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Cung điện al-Yamamah.
Hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) cho biết hai nhà lãnh đạo đã xem xét các giải pháp “hỗ trợ an ninh và ổn định cho Syria”. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria trích lời ông al-Sharaa nói rằng lãnh đạo hai nước “thảo luận về việc nâng cao mức độ giao tiếp và hợp tác trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực nhân đạo và kinh tế”.
Saudi Arabia, quốc gia đối nghịch với Iran ở Trung Ðông, là một trong những nước Arab rót tiền vào các nhóm phiến quân tìm cách lật đổ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi làn sóng biểu tình Mùa xuân Arab năm 2011 biến thành một cuộc đàn áp đẫm máu. Tuy nhiên, các nhóm phiến quân này bị đẩy lùi khi chính quyền al-Assad nhận được sự hậu thuẫn từ Iran và Nga.
Tình thế đã thay đổi với cuộc phản công chớp nhoáng do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của ông al-Sharaa dẫn dắt hồi tháng 12-2024. HTS từng có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda nhưng sau đó đã lên án mối quan hệ này.
Ông al-Sharaa và HTS đã cẩn thận quản lý hình ảnh công chúng của mình, với việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí và tìm cách duy trì quan hệ với cộng đồng người Cơ đốc giáo và người Alawite ở Syria (một nhánh của Hồi giáo dòng Shiite).
Ðiều đó cũng bao gồm việc Syria giữ khoảng cách với cả Iran và Nga. Iran vẫn chưa mở lại đại sứ quán tại Damascus. Thủ đô Syria từng là địa điểm quan trọng trong việc điều hành các hoạt động của “Trục kháng chiến” của Iran, bao gồm Syria dưới thời chính quyền al-Assad, lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon và các đối tác khác.
Việc Tổng thống lâm thời al-Sharaa chọn Saudi Arabia làm điểm đến nước ngoài đầu tiên báo hiệu Damascus sắp rời xa Iran và hướng tới các quốc gia vùng Vịnh. Lãnh đạo các nước khác trong khu vực, bao gồm Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã chúc mừng ông al-Sharaa khi ông được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời, trong khi Iran và các nhóm trong “Trục kháng chiến” im lặng.
Hôm 30-1, tức một ngày sau khi được chỉ định làm Tổng thống lâm thời Syria, ông al-Sharaa đã tiếp đón Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani tại Damascus, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên của nhà lãnh đạo Syria với một nguyên thủ nước ngoài. Hai cuộc hội đàm của ông al-Sharaa với Quốc vương Qatar và Thủ tướng Saudi Arabia đều rất quan trọng và mang tính biểu tượng trong thế giới Arab.
Doha và Riyadh thường có quan điểm khác nhau về khu vực trong những năm gần đây. Qatar thân với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hơn và cũng ủng hộ các nhóm có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo, hay phong trào Hamas. Saudi Arabia thì phản đối các tổ chức này và gần gũi hơn với UAE, Ai Cập.
Do đó, chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống lâm thời Syria cho thấy đường lối ngoại giao uyển chuyển giữa hai cực đối lập phức tạp ở Trung Ðông.
Ngoài ra, Saudi Arabia có thể giúp tăng cường tính hợp pháp của ông al-Sharaa trên trường quốc tế và đưa Syria tái hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện Saudi Arabia đang tích cực đối thoại với tất cả các quốc gia liên quan, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), về vấn đề dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria.
Ông al-Sharaa sinh ra tại Saudi Arabia. Sau đó, ông chuyển đến sống ở Damascus và gia nhập al-Qaeda trước khi trở thành người đứng đầu nhóm HTS tại Syria. Hôm 30-1, trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc dân, Tổng thống lâm thời Syria đã vạch ra lộ trình chuyển tiếp cho đất nước, cam kết thiết lập khuôn khổ lập pháp và đối thoại quốc gia về tương lai chính trị của Syria.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)