Lâu nay, Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có dân số sống lâu và khỏe mạnh bậc nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều người lớn tuổi nước này đang phải vật lộn với “đại dịch cô đơn”. Thực trạng đó khiến một số phụ nữ cao tuổi muốn chuyển vào trong tù sống để tìm được sự hỗ trợ và môi trường tương tác cộng đồng.
Các phạm nhân lớn tuổi trong nhà tù Tochigi. Ảnh: CNN
Theo Đài CNN, Tochigi - nhà tù dành cho phụ nữ lớn nhất Nhật Bản, nằm ở phía Bắc Tokyo - đã trở thành nơi giam giữ ngày càng đông đảo người cao tuổi. Số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên tại đây đã tăng gần 4 lần từ năm 2003 đến năm 2022. Việc cảm thấy bị bỏ rơi về mặt tài chính và xã hội là lý do chính khiến nhiều phụ nữ lớn tuổi Nhật muốn chuyển vào sống trong tù.
Được biết, tại Tochigi, các tù nhân được cung cấp bữa ăn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, đồng thời phải làm việc tại các nhà máy của nhà tù. Song, sự đồng hành mà nhà tù này mang lại là sức hấp dẫn chính đối với những phụ nữ lớn tuổi muốn chuyển vào đây sống. Bà AKiyo, một tù nhân 81 tuổi đang thụ án vì tội ăn cắp thực phẩm, chia sẻ: “Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này. Có lẽ cuộc sống như thế này là ổn định nhất đối với tôi”.
Takayoshi Shiranaga, một nhân viên tại nhà tù Tochigi, cho biết: “Thậm chí có những người nói rằng họ sẽ trả 20.000 yen hoặc 30.000 yen (3,2 triệu đồng - 4,7 triệu đồng)/tháng (nếu họ có thể), để sống ở đây mãi mãi”. Theo Shiranaga, có những người đến nhà tù vì trời lạnh hoặc vì họ đói. Những tù nhân bị bệnh được điều trị y tế miễn phí trong tù. Nhưng một khi ra tù, họ phải tự trả tiền, vì vậy, một số người muốn ở trong tù càng lâu càng tốt.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 20% số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản sống trong cảnh nghèo đói. Nên với một số phụ nữ lớn tuổi phạm tội là một con đường để sinh tồn. Theo Chính phủ Nhật Bản, năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ cao tuổi trên toàn quốc đã vào tù vì tội trộm cắp.
Như trường hợp của phạm nhân Akiyo, bà từng ngồi tù ở tuổi 60 vì tội trộm thức ăn. Gần 20 năm sau, bà lại bị bỏ tù sau khi ăn cắp trong cơn tuyệt vọng. Akiyo không chỉ không có tiền, mà còn không có sự hỗ trợ của gia đình.
Trong khi đó, bà Yoko đã bị giam giữ vì phạm tội liên quan đến ma túy 5 lần trong 25 năm qua. Nữ phạm nhân 51 tuổi nhận xét rằng dân số trong tù dường như ngày càng già đi. “Một số người cố tình làm những điều xấu và bị bắt để họ có thể vào tù lần nữa, nếu họ hết tiền”, Yoko cho biết.
Thực tế, việc thiếu người chăm sóc, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế và bị gia đình bỏ rơi ở ngoài xã hội đã khiến nhà tù trở thành địa điểm sống hấp dẫn cho những phụ nữ lớn tuổi Nhật.
Năm 2021, Bộ Phúc lợi Nhật Bản từng thừa nhận rằng những tù nhân lớn tuổi nhận được hỗ trợ sau khi ra tù ít có khả năng tái phạm hơn những người không nhận được hỗ trợ. Bộ này đang tăng cường các nỗ lực can thiệp sớm để giúp đỡ người lớn tuổi. Bộ Tư pháp Nhật Bản đã khởi xướng các chương trình dành riêng cho tù nhân, nhằm cung cấp giáo dục về cuộc sống tự lập, phục hồi sau lạm dụng chất gây nghiện và điều hướng các mối quan hệ gia đình khi họ ra tù. Chính phủ nước này cũng đang xem xét các đề xuất nhằm giúp người cao tuổi dễ tiếp cận hơn với các chế độ trợ cấp nhà ở, với việc 10 thành phố trên khắp đất nước đang thử nghiệm các chương trình để giúp đỡ những người cao tuổi không có người thân.
NGUYỆT CÁT (Theo Fortune)