02/02/2025 - 13:17

“Chảo lửa” Trung Đông nóng rực 

Trong nhiều thập niên, Israel và Iran không ngừng tấn công lẫn nhau theo cách âm thầm hoặc thông qua các lực lượng ủy nhiệm, trong khi tránh leo thang thành chiến tranh trực tiếp. Tuy nhiên, xung đột bất ngờ bước vào giai đoạn mới nguy hiểm với sự bùng phát của cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát Dải Gaza. Cuộc chiến sau đó kéo thêm các nhóm vũ trang khác và chính Iran vào cuộc, đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh toàn diện.

“Vành đai lửa” vây quanh Israel

Iran đã dành hơn 40 năm xây dựng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, còn gọi là “Trục kháng chiến”, đóng vai trò như chiếc ô an ninh và tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại Israel. Các phong trào Hồi giáo dòng Shiite này, đồn trú gần biên giới Nhà nước Do Thái, cũng là công cụ răn đe không cho Israel tấn công trực tiếp vào Iran. Nếu bị tấn công, Iran sẽ trả đũa bằng cách tung các lực lượng ủy nhiệm “đánh hội đồng” Israel.

Hệ thống Vòm sắt đánh chặn tên lửa do Hamas bắn về phía Israel. Ảnh: AFP

Sự cân bằng quyền lực này lâu nay đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực cho đến khi Hamas bất ngờ tập kích miền Nam Israel từ Gaza vào ngày 7-10-2023, giết chết 1.200 người và bắt hơn 250 con tin. Chiến dịch đáp trả của Israel đã tàn phá vùng đất này và tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas nhưng chỉ giải cứu được một số con tin.

Xung đột với Hamas kéo thêm 2 mặt trận. Nhóm Hezbollah ở Lebanon và lực lượng Houthi tại Yemen nhanh chóng hành động để ủng hộ đồng minh. Hezbollah phóng rocket vào miền Bắc Israel còn Houthi tập kích tàu hàng có liên hệ với Israel trên Biển Đỏ.

Thay vì hướng đến lệnh ngừng bắn ở Gaza để giải quyết vấn đề, Israel chọn mở chiến dịch quân sự nhắm vào Hezbollah. Israel giáng đòn chưa từng thấy kể từ khi nhóm vũ trang này thành lập hơn 40 năm trước, bằng cách ám sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng hàng loạt chỉ huy cấp cao, phá hủy các kho vũ khí. Israel còn tiếp tục phát động chiến dịch trên bộ vào miền Nam Lebanon, với ý đồ thiết lập vùng đệm.

Trong động thái hiếm hoi, Iran và Israel năm 2024 đã có hành động quân sự nhắm trực tiếp vào nhau. Hồi tháng 4, Iran phóng hơn 300 tên lửa và UAV vào Israel, đáp trả vụ nước này không kích Syria khiến các tướng lĩnh Iran thiệt mạng. Đến tháng 10, Israel đáp lại bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự ở Iran.

Từ bạn thành thù

Trên thực tế, Tehran và Tel Aviv từng là đồng minh. Iran là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Israel sau khi nước này được thành lập vào năm 1948. Đáp lại, Tel Aviv giúp đào tạo các chuyên gia nông nghiệp và huấn luyện lực lượng vũ trang của Tehran.

Dải Gaza thiệt hại về cơ sở hạ tầng hàng chục tỉ USD do bom đạn Israel. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, quan hệ hữu hảo này bất ngờ kết thúc sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đưa Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini lên nắm quyền. Giới lãnh đạo mới ở Tehran thể hiện lập trường chống Tel Aviv mạnh mẽ, lên án nước này là một thế lực “đế quốc” ở Trung Đông. 

Căng thẳng không chỉ giới hạn ở ý thức hệ, hai bên còn bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tấn công vào lợi ích của nhau trong và ngoài lãnh thổ.

Chương trình hạt nhân Iran là tâm điểm của các cuộc tấn công lớn nhất. Phía Israel xem tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước này, nên ra sức phá hoại mặc dù Tehran khăng khăng chương trình hạt nhân chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Gian nan giải quyết xung đột Israel - Hamas

Giải pháp lâu dài cho cả khu vực Trung Đông là một thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Hamas, song hành với các nỗ lực giải quyết vấn đề Israel - Palestine vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Lệnh ngừng bắn 2 tháng giữa Israel - Hezbollah hồi cuối năm 2024 thắp lên kỳ vọng về động thái tương tự giúp chấm dứt khói lửa ở Gaza. Tuy nhiên, triển vọng này bị hoài nghi bởi giới lãnh đạo Israel kiên quyết “không chấp nhận chấm dứt hoàn toàn chiến tranh”, trong khi đây là nội dung cốt lõi mà Hamas hướng đến. Khi phát động tấn công Gaza, Israel đặt mục tiêu xóa sổ Hamas và giải cứu toàn bộ con tin. Tel Aviv không muốn ngừng khi chưa hoàn thành ít nhất một trong hai mục tiêu này.

Thực tế, quá trình tìm kiếm lệnh ngừng bắn khó khăn đến mức Qatar đã dừng vai trò trung gian hòa giải xung đột.

Khi mưa bom bão đạn vẫn còn trút xuống Gaza, giải pháp “hai nhà nước” - trụ cột trong các kế hoạch giải quyết xung đột giữa người Israel và người Palestine - cũng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Ý tưởng hai nhà nước, tức một nhà nước Palestine độc lập, tồn tại song song với một nhà nước Israel, đã có từ cuối thập niên 1940.

Thế nhưng, Israel đã làm lu mờ giải pháp hai nhà nước bằng cách thiết lập các khu định cư ở Đông Jerusalem và Bờ Tây mà nước này chiếm đóng trong cuộc “Chiến tranh 6 ngày” năm 1967. Khi Hiệp định hòa bình Oslo được ký kết vào năm 1993, số người định cư tại đây chỉ 130.000 nhưng hiện đã tăng lên gần 700.000 người.

Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Ben-Gvir của Israel còn đề nghị sáp nhập Bờ Tây trong năm 2025, thời điểm ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai. Israel càng có động lực khi Mike Huckabee, người được ông Trump chọn làm Đại sứ Mỹ tại Israel, chưa bao giờ ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017-2021, việc mở rộng nhà ở cho người Do Thái tại Bờ Tây đã tăng kỷ lục, trong khi Washington thực hiện các bước chưa từng có để ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Israel, như công nhận Jerusalem là thủ đô của nước này và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây.

Chảo lửa Trung Đông cuối năm 2024 đột ngột tăng nhiệt khi phiến quân Syria bất ngờ mở cuộc tấn công chớp nhoáng và nhanh chóng lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, khiến nhà lãnh đạo trị vì 24 năm phải chạy sang Nga tị nạn.

Ổn định tình hình Syria nói riêng và cả khu vực nói chung là bài toán khó bởi Syria vốn là cái nôi của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi dàn lãnh đạo thời hậu Assad ít nhiều dính líu tới tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi các cường quốc khu vực như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và cả Mỹ có không ít ảnh hưởng và quyền lợi ở Syria.

 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết