23/01/2025 - 10:45

Canada và Mexico trước nguy cơ thương chiến với Mỹ 

Ngày 21-1, Canada và Mexico đã có những phản ứng khác nhau sau những tuyên bố áp đặt thuế quan của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn có thể tác động mạnh đến nền kinh tế của hai nước láng giềng này.

Tổng thống Trump giới thiệu một loạt sắc lệnh hành pháp. Ảnh: Getty Images

Vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ áp mức thuế trừng phạt 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada từ ngày 1-2 tới. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói ông sẽ ra lệnh cho quân đội ngăn dòng người di cư tại biên giới với Mexico.

Ông Trump nêu rõ mức thuế 25% dự định áp dụng đối với Canada và Mexico sẽ “không liên quan” đến việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do (USMCA) hiện hữu giữa 3 nước. Ðối với ông, hành động áp thuế nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng di cư trái phép và dòng chảy của bất kỳ loại ma túy bất hợp pháp nào vào Mỹ.

Trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó cáo buộc Canada và Mexico đang cho phép “lượng lớn người di cư và chất fentanyl nhập cảnh vào”. Ông cũng ký một sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang điều tra các hoạt động thương mại của Mexico và những quốc gia khác, bao gồm hành vi “không công bằng” và thao túng tiền tệ. Những động thái này có thể mở đường cho các đòn trừng phạt thuế quan tiếp theo. Ðặc biệt, chính quyền Trump sẽ tìm cách đưa các băng nhóm ma túy Mexico vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài, động thái có thể tạo cơ sở pháp lý để Mỹ sử dụng biện pháp trừng phạt bằng quân sự.

Canada, Mexico chịu áp lực lớn

Trước nguy cơ bị áp thuế thương mại rõ ràng hơn từ chính quyền Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Ottawa sẵn sàng đáp trả, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ phản ứng nào của nước này cũng sẽ “mạnh mẽ, nhanh chóng nhưng có chừng mực”.

Mỗi ngày có khoảng 2,5 tỉ USD hàng hóa được giao dịch qua biên giới Mỹ - Canada, biến đây trở thành mối quan hệ thương mại trị giá 800 tỉ USD/năm. Hiện xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 75% tổng lượng hàng xuất khẩu của Canada, nhiều nhất là năng lượng và ô tô.

Các nhà kinh tế dự đoán nếu xảy ra thương chiến, sản lượng kinh tế của Canada sẽ giảm từ 2-2,6% mỗi năm, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ mất 1,6%. Theo thủ hiến tỉnh Ontario, Doug Ford, hơn 1 triệu người Canada có nguy cơ mất việc, bao gồm khoảng 500.000 việc làm trong ngành công nghiệp ô tô ở tỉnh này.

Ngày 21-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 1-2. Ông cho biết việc áp thuế này là do vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng chất gây nghiện fentanyl ở Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc đã vận chuyển fentanyl tới Canada và Mexico và từ đó tuồn vào Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng áp thuế đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các biện pháp thuế quan này đã được duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ðối với Mexico, ước tính mức thuế trừng phạt từ Mỹ có thể khiến tăng trưởng sản lượng kinh tế của nước này giảm khoảng 2% và nhiều khả năng kéo theo tình trạng thất nghiệp, đóng cửa các nhà máy quy mô lớn. Ngành công nghiệp ô tô Mexico cũng rất dễ bị tổn thương khi đây là ngành sử dụng hơn 1 triệu lao động và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng phức tạp vận chuyển các phụ tùng qua biên giới.

Canada và Mexico đều là các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Vì vậy, áp thuế và các biện pháp trả đũa tiềm tàng sau đó được dự báo sẽ gây tổn hại cho cả 3 quốc gia, nhưng bên thiệt hại nặng nhất là Canada và Mexico, những nền kinh tế nhỏ hơn phụ thuộc nhiều vào Mỹ.

Ðòn bẩy ngăn chặn thương chiến?

Thủ tướng Trudeau tin rằng Canada có thể tránh đòn thuế quan từ ông Trump bởi Canada là siêu cường năng lượng với dầu mỏ và khoáng sản quan trọng mà Mỹ cần để phát triển nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada. Bất chấp phát biểu của ông Trump rằng Washington không cần Ottawa, gần 1/4 lượng dầu mà Mỹ tiêu thụ mỗi ngày lại đến từ Canada. Quốc gia láng giềng phía Bắc của Mỹ còn có 34 loại khoáng sản và kim loại quan trọng mà Lầu Năm Góc thèm muốn, trong khi Canada cũng là nhà cung cấp thép, nhôm và uranium nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã hạ thấp mối đe dọa thuế quan của Mỹ và kêu gọi bình tĩnh trước thông báo của ông Trump về các hạn chế mới nghiêm ngặt đối với vấn đề di cư. Về khả năng chính quyền Mỹ muốn liệt các băng nhóm ma túy Mexico vào danh sách khủng bố nước ngoài, bà Sheinbaum  nhấn mạnh Mexico sẽ bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của mình trong khi tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ trong vấn đề chống ma túy.

Theo Tổng thống Mexico Sheinbaum, vào năm 2019, ông Trump cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để mở khóa nguồn tài trợ liên bang xây dựng bức tường biên giới. Vào thời điểm đó, người tiền nhiệm của bà Sheinbaum, ông Andres Manuel Lopez Obrador đã hợp tác với Mỹ.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết