Ngày 22-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ bổ sung các biện pháp thuế quan vào các lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga nếu Mát-xcơ-va không sớm đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, lời đe dọa này chủ yếu mang tính biểu tượng vì hoạt động thương mại Mỹ - Nga đã giảm kể từ khi chiến tranh bùng phát vào năm 2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters
Trong bài đăng trên mạng xã hội TruthSocial, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng nếu Nga không sớm đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh ở Ukraine, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh thuế và áp trừng phạt ở mức độ cao đối với mọi mặt hàng của Nga bán sang Mỹ và nhiều nước khác tham gia cuộc xung đột. Theo ông Trump, cuộc chiến ở Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông là Tổng thống.
Phản ứng trước lời đe dọa trên, Phó Ðại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết Nga cần xem xét thỏa thuận mà ông Trump nghĩ có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine cụ thể ra sao. Theo ông Polyanskiy, vấn đề không phải là chấm dứt xung đột mà là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh ông nỗ lực gia tăng áp lực nhằm buộc Mát-xcơ-va tiến hành đàm phán với Kiev. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine sau khi trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, đội ngũ của ông Trump thừa nhận việc đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột có thể kéo dài nhiều tháng.
Khi tranh cử, ông Trump cũng không nêu rõ kế hoạch đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào bàn đàm phán. Theo nhiều nhà phân tích chiến tranh, rất khó để thuyết phục ông Putin ngồi vào bàn hòa đàm trong khi lực lượng Nga đang tiến quân.
Quá ít đòn bẩy kinh tế
Ở Mỹ, chính quyền tiền nhiệm Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện và mạnh mẽ đối với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022.
Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nga đã giảm mạnh kể từ đó, vì vậy bất kỳ mức thuế bổ sung nào cũng chỉ có tác động hạn chế.
Trước chiến tranh, Mỹ đã nhập khẩu 29,7 tỉ USD hàng hóa từ Nga, phần lớn là dầu mỏ, khoáng sản, vôi và xi măng. Nhưng vào năm 2023, Mỹ chỉ mua 4,57 tỉ USD hàng hóa của Nga, chiếm 0,14% tổng lượng hàng nhập khẩu trong năm đó.
Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Trump tin rằng Washington có nhiều cách để siết chặt tài chính đối với Mát-xcơ-va, đặc biệt là nhắm vào lĩnh vực năng lượng.
Chính quyền Biden đã lưỡng lự cấm vận xuất khẩu dầu khí Nga vì lo ngại làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu. Mỹ dưới thời ông Biden đặt ra một số hạn chế đối với các dự án khí tự nhiên hóa lỏng ở Nga và áp mức giá trần quốc tế lên dầu của Nga, điều mà nước này đã tìm cách “lách luật”.
Tuần rồi, trong phiên điều trần phê chuẩn để trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính quyền Trump, Scott Bessent cho rằng ông sẽ “hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường trừng phạt, đặc biệt là nhằm vào các công ty dầu mỏ lớn của Nga, lên mức có thể đưa nước này vào bàn đàm phán”. Vị tỉ phú này tin rằng các lệnh trừng phạt của chính quyền ông Biden là “chưa đủ”.
Cũng trong bài đăng trên TruthSocial ngày 22-1, ông Trump đã ca ngợi “mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin” và cho biết ông không muốn làm tổn thương Nga. Tổng thống Trump, người hoài nghi về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, cũng hy vọng sẽ sớm gặp ông Putin. Điện Kremlin cho biết nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng đối thoại với tân chủ nhân Nhà Trắng, mặc dù chưa có hội nghị thượng đỉnh nào được lên lịch.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)