06/01/2021 - 07:42

Saudi Arabia dỡ bỏ lệnh cấm vận Qatar 

Trong bước đi đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arab tại vùng Vịnh, Saudi Arabia đã đồng ý mở lại không phận và biên giới trên bộ, trên biển với Qatar kể từ ngày 4-1.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani. Ảnh: Reuters

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani. Ảnh: Reuters

T ừ đề xuất của Quốc vương Kuwait Nawaf Al-Ahmed Al-Jaber, Saudi Arabia quyết định sẽ mở cửa trở lại với Qatar, theo một thỏa thuận hướng tới việc giải quyết bất đồng chính trị khiến Riyadh cùng các đồng minh tẩy chay Doha trong hơn 3 năm qua. Biên giới trên bộ duy nhất của Qatar hầu như đã bị đóng cửa kể từ tháng 6-2017, khi bộ tứ Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tiến hành phong tỏa nhằm chống lại quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm Hồi giáo trong khu vực và có quan hệ “nồng ấm” với Iran.

“Còn nhiều việc phải làm”

Theo Hãng tin AP, quyết định của Saudi Arabia tuy đánh dấu cột mốc quan trọng hướng tới việc giải quyết mối bất hòa tại vùng Vịnh, song con đường dẫn đến sự hòa giải hoàn toàn vẫn chưa thể đảm bảo. Trong đó, hục hặc giữa UAE và Qatar được cho là nghiêm trọng nhất, bởi cả hai nước tồn tại những bất đồng sâu sắc về ý thức hệ. Điều này được thấy qua việc Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đón nhận thông báo về thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Qatar bằng dòng bình luận trên Twitter rằng quốc gia của ông sẵn sàng khôi phục sự đoàn kết tại vùng Vịnh, nhưng “chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Ngoài ra, khi bắt đầu chiến dịch tẩy chay, Saudi Arabia và các đồng minh đã đưa ra yêu sách 13 điều cho Qatar, trong đó đóng cửa Kênh truyền hình Al Jazeera, nguội lạnh quan hệ với Iran, cắt đứt liên lạc với các nhóm Hồi giáo và ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Đáp lại, Qatar phủ nhận việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cũng khẳng định không có lý do để họ cắt đứt quan hệ với Tehran, đối tác thương mại quan trọng của Doha. Tuy nhiên, một quan chức trong chính quyền Mỹ hôm 4-1 tiết lộ phía Qatar chỉ đồng ý từ bỏ các vụ kiện tụng đối với 4 quốc gia Arab nói trên, bao gồm vụ kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế liên quan đến cáo buộc cuộc tẩy chay đã làm tăng thái độ kỳ thị đối với người dân Qatar.

Dù vậy, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận của Saudi Arabia vẫn được xem là tin vui ở Washington. Bởi khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng từ Tổng thống Donald Trump trong tháng 1 này, Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ không phải “thừa hưởng” cuộc khủng khoảng tại một trong những khu vực chiến lược nhất của thế giới. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng thở phào bởi lâu nay đã nỗ lực thúc giục các đồng minh tại vùng Vịnh ngừng đối đầu nhau và đoàn kết chống Iran. Thật ra, ban đầu ông Trump ca ngợi tẩy chay Qatar là bước đi chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng sau đó, ông phản đối khi nhận thấy điều này gây khó cho việc đoàn kết chống Tehran.

Được biết, Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực với khoảng 10.000 binh sĩ, trong khi Bahrain là địa điểm đóng quân của Hạm đội số 5 thuộc Hải quân Mỹ. Ngoài ra, Washington còn có hàng ngàn binh sĩ đồn trú ở UAE, Kuwait và Saudi Arabia.

Mỹ tố Iran “tống tiền hạt nhân”

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-1 đã chỉ trích quyết định của Iran về việc làm giàu uranium lên mức 20% là “hành vi tống tiền hạt nhân”.

Trong báo cáo cùng ngày, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận Cộng hòa Hồi giáo đã bắt đầu cung cấp uranium được làm giàu tới 4,1% vào 6 máy ly tâm tại cơ sở Fordow để làm giàu lên 20%. Iran gần đây đã làm giàu uranium lên tới 4,5%, cao hơn mức cho phép là 3,67% quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết