30/09/2022 - 23:08

Phương Tây chuẩn bị hành động nhằm vào Nga 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Phối hợp đồng minh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị đưa ra loạt phản ứng trước hoạt động sáp nhập mới của Nga đối với 4 vùng đất của Ukraine, bên cạnh tăng cường hỗ trợ Kiev.

Ngày 29-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh) đã ký sắc lệnh công nhận khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine là các quốc gia có chủ quyền độc lập. Ðộng thái được đưa ra một ngày trước khi ông Putin ký hiệp ước về việc hợp nhất vào Nga hai khu vực nói trên cùng hai thực thể Luhansk, Donetsk ở miền Ðông mà Mát-xcơ-va công nhận độc lập trước đó. Sau khi có chữ ký của tổng thống, văn kiện được trình lên Tòa án Hiến pháp Nga, sau đó cần Duma Quốc gia (Hạ viện) phê chuẩn và gửi đến Hội đồng Liên bang (Thượng viện) để thực hiện thủ tục tương tự. Bốn khu vực trên (chiếm 15% diện tích Ukraine) có thể trở thành một phần của Nga sau khi các nhà lập pháp thông qua đạo luật mới và ông Putin ký ban hành.

Nga cho biết nền độc lập của 2 khu vực vừa công nhận phù hợp luật pháp quốc tế và “được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres lập tức khẳng định bất kỳ sự sáp nhập lãnh thổ nào của một quốc gia dựa trên vũ lực đều vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Hành động “leo thang nguy hiểm” này “không có chỗ đứng trong thế giới hiện đại” - ông Guterres tuyên bố. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng bày tỏ quan điểm phản đối, đồng thời kêu gọi Nga giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán hòa bình với Ukraine.

Ðộng thái của Nga giành kiểm soát về mặt chính trị đối với các khu vực ở Ukraine đặc biệt bị Mỹ cùng đồng minh chỉ trích gay gắt. Coi đây là hành động vi phạm Hiến chương LHQ và không có ý nghĩa pháp lý, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ không và sẽ không bao giờ công nhận các tuyên bố của Nga trên lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine. Trước đó, Liên minh châu Âu dẫn đầu nỗ lực lên án cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở 4 khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine bằng gói trừng phạt thứ 8. Nhằm gia tăng sức ép, Washington cũng cam kết áp thêm các biện pháp trừng phạt Mát-xcơ-va cùng các cá nhân, thực thể ở trong và ngoài nước Nga ủng hộ hành động của Ðiện Kremlin. Hiện Mỹ chưa nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt bổ sung, nhưng một đạo luật vừa được hai Thượng nghị sĩ là Richard Blumenthal và Lindsey Graham giới thiệu cho biết Washington sẽ cắt viện trợ quân sự và kinh tế cho bất kỳ quốc gia nào công nhận các vùng lãnh thổ sáp nhập là một phần của Nga. Ðạo luật đồng thời gây áp lực buộc Nhà Trắng siết chặt trừng phạt Nga và có thể được đính kèm vào dự luật chính sách quốc phòng hàng năm trong những tuần tới.

Mỹ không đổi cách tiếp cận cuộc chiến Ukraine

Tăng cường áp lực ngoại giao - kinh tế lên Nga, nhưng Tổng thống Biden không thay đổi cách tiếp cận cuộc chiến ở Ukraine vốn phối hợp giữa trừng phạt Mát-xcơ-va và viện trợ cho Kiev. Tuần này, Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cung cấp 12,3 tỉ USD viện trợ cho Kiev theo cam kết của chính phủ. Ðạo luật còn chờ Hạ viện phê duyệt trước khi đưa tới bàn của Tổng thống Biden.

Theo dự luật, Bộ Quốc phòng Mỹ rút từ kho dự trữ hiện có số vũ khí trị giá 3,7 tỉ USD chuyển cho Ukraine. Bên cạnh đó là ngân sách 3 tỉ USD để mua vũ khí, vật dụng và cấp tiền lương cho quân đội Ukraine; 4,5 tỉ USD giúp Kiev ổn định tài chính, cung cấp dịch vụ cho người dân và hoạt động của chính phủ. Trước đó, Lầu Năm Góc công bố khoản viện trợ 1,1 tỉ USD vũ khí cho Kiev, bao gồm chuyển giao 18 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Cơ quan này cũng xem xét lập bộ chỉ huy mới quản lý việc huấn luyện và trang bị cho Ukraine. Bộ chỉ huy mới sẽ đặt tại Wiesbaden (Ðức) và dưới quyền lãnh đạo của Tư lệnh Bộ Chỉ huy các lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương ở châu Âu - Tướng Christopher Cavoli.

Ðến nay, viện trợ Mỹ phê duyệt cho Ukraine đã hơn 50 tỉ USD và đều nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng Quốc hội. Nhưng trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11, bắt đầu có nhiều nhà lập pháp cánh hữu đặt nghi vấn về sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Biden. Theo Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Andy Biggs, viện trợ cho Ukraine đang biến thành “phí thuê bao hàng tháng” của Mỹ và điều cần thiết hiện nay là có sự giám sát cũng như giới hạn đối với tiền thuế của người dân.

Chia sẻ bài viết