NGUYỆT CÁT (Theo CNA)
Phụ nữ ở Singapore có quan điểm khác nhau về việc có nên chuyển sang họ của chồng sau khi kết hôn. Một số người chịu đổi họ như một cách xác nhận sự thay đổi về tình trạng hôn nhân, trong khi số khác muốn giữ tên khai sinh vì lý do văn hóa hoặc để thể hiện sự tôn kính đối với cha mẹ ruột.

Việc đổi sang họ chồng sau khi kết hôn là vấn đề còn nhiều tranh cãi của phụ nữ ở Singapore.
Một số phụ nữ cho biết việc chuyển sang mang họ chồng sau khi kết hôn có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ hôn nhân. Theo Vanathi Ray - một luật sư 38 tuổi - việc đổi theo họ chồng là một cách thể hiện cô rất yêu chồng mình. “Tôi đang mang tên của những người tôi yêu thương và điều đó khiến tôi cảm thấy trọn vẹn” - Ray chia sẻ khi cho biết tên cô chứa cả tên mẹ ruột và họ của chồng.
Trong khi đó, một số chị em cho rằng việc đổi theo họ chồng sau khi kết hôn không phải là một quy tắc văn hóa. Như trường hợp của Rebecca Ong, một nữ giám đốc điều hành 26 tuổi chuẩn bị đám cưới với vị hôn phu họ Lim trong năm nay. Rebecca cho biết sẽ không đổi sang họ chồng vì đó không phải là điều mà các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của cô thường làm. “Tôi không ngại khi được gọi là bà Lim và tôi rất vui khi chúng tôi có con, gia đình tôi được gọi là “nhà Lim”. Nhưng việc được gọi là Rebecca Lim có vẻ kỳ lạ” - cô nói. Rebecca cũng cho rằng việc giữ họ sau khi kết hôn là để tỏ lòng kính trọng với cha mẹ mình.
Joan Chia - một nhân viên điều hành chăm sóc sức khỏe 36 tuổi - thì cho biết cô cảm thấy gắn bó với họ của gia đình mình, nên không muốn thay đổi. “Tôi không lớn lên với họ của chồng nên không thể đồng điệu và cảm thấy xa lạ nếu phải đổi họ mình thành họ chồng” - cô nói.
Thậm chí, một số phụ nữ Singapore cảm thấy mất mát khi phải từ bỏ họ của cha ông mình và chuyển sang họ của chồng. Trước khi kết hôn ở tuổi 25, Liang May cho biết đã chuẩn bị đổi tên vì đó là cách để thể hiện rằng cô có hôn nhân hạnh phúc với chồng. Tuy nhiên, khi dò hỏi cha xem ông tiếp nhận việc đó như thế nào, May nhận thấy cha cô tỏ vẻ buồn phiền vì mất cả người lẫn tên khi gả con gái đi. Ðể dung hòa, May chọn cách giữ nguyên danh tính. “Mặc dù tôi rất vui khi được gọi là bà Yang, nhưng tôi vẫn chưa đổi họ của mình. Thay vào đó, tôi thường ghi thêm “bà May Yang” bên dưới tên Liang May của mình” - người phụ nữ 41 tuổi cho biết quyết định của mình.
Mặc dù không đồng thuận đổi sang họ chồng, song nhiều phụ nữ chấp nhận dùng họ của chồng tùy theo hoàn cảnh thực tế. Ðiển hình như Chia, người thường sử dụng tên thời con gái với bạn bè và người thân, nhưng khi có vấn đề liên quan đến con trai (ở trường học hay gặp bác sĩ), cô nhận mình là bà Tong. Chia giải thích rằng đó là cách dễ dàng để cô được xác nhận là mẹ của con trai. “Ðôi khi tôi cảm thấy kỳ lạ khi được giáo viên của con gọi là bà Tong. Nhưng tôi đã học được cách chấp nhận nó vì mục đích thiết thực” - cô nói. Tương tự, tuy không dùng họ của người chồng Ấn Ðộ, nhưng cô Maizah Raof nói rằng mình có thể làm như vậy nếu điều đó mang lại lợi ích nào đó, chẳng hạn như được nhận diện tốt hơn trong cộng đồng hoặc nếu điều đó có ý nghĩa quan trọng với gia đình chồng.