11/11/2013 - 21:16

Philippines đổ nát sau siêu bão

Người dân đi ngang qua một khu vực bị bão Haiyan tàn phá ở Tacloban hôm 10-11. Ảnh AFP 

Hôm 11-11, trong nỗ lực tiếp tế nhu yếu phẩm cho những người may mắn sống sót, các nhân viên cứu hộ phải khó khăn lắm mới tiếp cận được các khu vực thuộc miền Trung Philippines vốn bị tàn phá dữ dội bởi siêu bão Haiyan trước đó.

Được xem là một trong những thảm họa tồi tệ nhất mà Philippines hứng chịu, hôm 8-11 siêu bão Haiyan với sức gió lên đến 315km/giờ trên đường đi đã quét qua 9 hòn đảo lớn của quốc gia Đông Nam Á này. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Leyte với khoảng 10.000 người chết và 70-80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức địa phương tại Leyte cho biết một hố chôn đã được đào dành cho 300-500 thi thể tại thủ phủ Tacloban. Theo miêu tả của các nhân chứng, xác người được nhìn thấy ở khắp nơi, từ trên cành cây, bên đường đến trong các đống đổ nát và cả những thi thể trôi nổi. Khung cảnh ở Leyte hiện rất ngổn ngang bởi nhiều nơi nước dâng cao đến 5m, giao thông tê liệt do cây cối đổ ngã, nhà cửa và sân bay cũng đã bị san phẳng. Một nhân chứng miêu tả hình ảnh Tacloban hiện không khác gì cảnh tận thế.

Theo thông báo của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, gần 800.000 người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong khi 9,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan.

Trong khi đó, công tác cứu trợ nhân đạo cũng đang rất khẩn trương, song việc tiếp cận những nơi bị ảnh hưởng là thách thức lớn vì cầu đường và hệ thống thông tin liên lạc đã hư hỏng. Theo AP, nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống, thuốc men hiện rất thiếu thốn, thậm chí đã xảy ra tình trạng cướp bóc tại rất nhiều cửa hàng ở Tacloban. Trước tình trạng hỗn loạn trên, hôm 10-11 Tổng thống Benigno Aquino đã ra lệnh triển khai 300 binh sĩ và cảnh sát cùng các xe bọc thép đến Tacloban nhằm lập lại trật tự. Manila có thể sẽ ban bố tình trạng thiết quân luật ở khu vực này. "Đây là cơn bão mạnh nhất trên Trái đất. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể và đã chuẩn bị rất nhiều. Đây là một bài học cho chúng tôi"- Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nhấn mạnh khi nói về công tác ứng phó với bão.

Trong khi đó, quốc tế đang nỗ lực chung sức với Philippines khắc phục hậu quả. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các khoản viện trợ lớn đã và đang trên đường được chuyển tới người dân Phillipines. Ông Obama khẳng định Mỹ sẽ cung cấp thêm các nguồn viện trợ nếu cần thiết, thông qua các tổ chức cứu trợ quốc tế và các nhóm cứu trợ tư nhân. Khoảng 95 lính thủy đánh bộ và thủy thủ Mỹ từ căn cứ ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản cùng máy bay vận tải quân sự KC-130J chở hàng viện trợ khẩn cấp đã có mặt tại Phillipines. Đây là một phần trong hàng loạt cam kết viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Phillipines, trong đó có việc các máy bay tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

Ngày 10-11, Ủy ban châu Âu đã quyết định cứu trợ khẩn cấp cho Philippines 3 triệu euro nhằm giúp cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đang giúp đỡ Philippines khắc phục hậu quả do bão gây ra.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Những trận bão lớn trong lịch sử

Theo BBC, trong thế kỷ 20 đã xảy ra những trận bão lớn ở Đông Á làm hàng ngàn người chết. Chẳng hạn như trận bão năm 1937 làm 11.000 người thiệt mạng ở Hồng Công; bão Vera (1959) làm hơn 5.200 người chết ở Nhật Bản; bão Nina (1975) làm 229.000 người chết ở Trung Quốc, một phần do vỡ đập Bản Kiều; bão Thelma (1991) làm 8.000 người thiệt mạng ở Philippines.

 

Người dân đi ngang qua một khu vực bị bão Haiyan tàn phá ở Tacloban hôm 10-11. Ảnh AFP 

Chia sẻ bài viết