TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong bài phát biểu mới đây tại căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen thuộc tỉnh miền trung Cebu cho biết, nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang nước này đã thay đổi nhằm đảm bảo việc bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Tập trung vào Biển Đông
Tổng thống Marcos Jr. (trái) tại căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen hôm 27-2. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh tính cấp bách của việc chuyển trọng tâm của quân đội sang phòng thủ bên ngoài. Theo Hãng tin AP, “phòng thủ bên ngoài” mà Tổng thống Marcos Jr. nói đến là bảo vệ Biển Đông trước sự gia tăng tranh chấp của Trung Quốc tại khu vực. Ông mô tả vấn đề Biển Đông hiện nay đang ở trong “tình cảnh địa chính trị phức tạp nhất thế giới”.
“Tôi muốn nói rằng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang đã thay đổi. Trong rất nhiều năm, chúng ta đã có thể duy trì nền hòa bình với tất cả các nước láng giềng nhưng bây giờ mọi thứ đã bắt đầu thay đổi và chúng ta cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Đã có lúc chúng ta không phải lo lắng về những mối đe dọa này cũng như sự cạnh tranh giữa các siêu cường nhưng tôi biết rằng tất cả chúng ta sẽ luôn đứng lên, sẽ luôn vững vàng trước những thách thức mà Philippines phải đối mặt” - Tổng thống Marcos Jr. nói. Ông Marcos Jr. nhấn mạnh dù là một quốc gia tương đối nhỏ nhưng Philippines vẫn phải đấu tranh cho quyền của người dân nước này, bởi “Philippines là một quốc gia có chủ quyền và có một chính phủ hoạt động. Đó là lý do vì sao nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ đất nước, bảo vệ công dân của chúng ta”. Dù không đề cập đến Trung Quốc nhưng ông Marcos Jr. tuyên bố trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Philippines là duy trì hòa bình.
Theo AP, bài phát biểu của Tổng thống Marcos Jr. được đưa ra 2 tuần sau khi Manila triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để phản đối việc một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser cấp độ quân sự vào tàu hải cảnh Philippines. Vụ việc xảy ra hôm 6-2 tại Bãi Cỏ Mây vốn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Philippines kiểm soát trái phép. Lực lượng tuần duyên Philippines cho hay tàu hải cảnh Trung Quốc phóng tia laser cấp độ vũ khí vào một tàu đang tiếp tế cho binh sĩ Philippines, khiến thủy thủ Philippines bị mất thị lực tạm thời. Manila cũng cáo buộc tàu Trung Quốc áp sát nguy hiểm tàu Philippines, gây rủi ro va chạm và đe dọa an toàn của thủy thủ đoàn. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này đã phát đi tổng cộng 203 công hàm phản đối Trung Quốc từ năm 2022.
Vụ việc trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Philippines thông báo nước này sẽ cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được ký kết năm 2014. Như vậy, Mỹ có quyền tiếp cận 9 căn cứ quân sự của Philippines theo EDCA.
Tuy nhiên, thỏa thuận mới giữa Manila và Washington đạt được sau khi Tổng thống Marcos Jr. hồi tháng 1 đã đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thúc giục nhà lãnh đạo nền kinh tế thứ hai thế giới thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với Philippines để tránh “tính toán sai lầm và thông tin sai lệch” ở Biển Đông. Bất chấp động thái ngoại giao này, tàu thuyền Trung Quốc vẫn tiếp tục đi vào một số vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Tuần tra hàng hải đa phương
Trong một dấu hiệu khác về mối quan ngại đối với các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Manila đang tính mời Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông với các lực lượng Mỹ và Philippines.
Theo ông Romualdez, các cuộc họp đã được ấn định và Philippines có thể mời Nhật và Úc tham gia tuần tra. “Họ muốn tham gia tuần tra chung để đảm bảo các quy tắc ứng xử và tự do hàng hải” - ông Romualdez cho biết thêm và nói rằng đây vẫn là “một ý tưởng đang được thảo luận”. Theo ông này, Mỹ, Nhật và Úc đã tiến hành tập trận hải quân 3 bên và các cuộc tuần tra chung với 3 nước này sẽ “tốt cho Philippines và toàn bộ khu vực”.
Nếu kế hoạch thành hiện thực thì đây sẽ là lần đầu Philippines tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương ở Biển Đông - một động thái khả năng cao sẽ khiến Trung Quốc tức giận trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông. Giới phân tích cho rằng ý tưởng trên cho thấy Philippines đã sẵn sàng thay thế Ấn Độ trong quan hệ đối tác an ninh do Mỹ lãnh đạo trong nỗ lực nhằm “xoay trục” một cách nhanh chóng và cứng rắn khỏi quan điểm thân Trung Quốc trước đây của quốc gia Đông Nam Á này.
“Bộ tứ kim cương (QUAD)”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, tự quảng bá là một quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên các lợi ích và giá trị chung. Kết hợp các nguồn lực chiến lược với lập trường ý thức hệ, QUAD dường như có tất cả các yếu tố để tạo nên một “Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) châu Á” được xây dựng để đối đầu với Nga và Trung Quốc. Song, mọi thứ đã không diễn ra một cách suôn sẻ do Ấn Độ phụ thuộc chiến lược sâu sắc vào Nga, không chỉ từ chối tham gia các lệnh trừng phạt về năng lượng mà còn tăng cường nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, làm xói mòn uy tín và sự gắn kết của QUAD.
Theo một nghĩa nào đó thì sự tham gia của Philippines vào QUAD có thể sớm thay thế vai trò của Ấn Độ trong liên minh quân sự này. Chỉ mới nhậm chức chưa đầy một năm, Tổng thống Marcos Jr. đã nhanh chóng tạo ra một kỷ nguyên hợp tác quốc phòng mới với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Ông bất chấp những lời chỉ trích và khiến các đồng minh truyền thống ngạc nhiên khi loại bỏ định hướng chiến lược thân Bắc Kinh và Mát-xcơ-va của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Chỉ trong tháng qua, ngoài việc cấp cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận mở rộng đối với các căn cứ quân sự của Philippines, Manila còn đàm phán một loạt thỏa thuận quốc phòng mới với Nhật Bản và được cho đang tìm kiếm một thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines. Mặt khác, Philippines và Úc cũng đã nhất trí tiến hành đối thoại quốc phòng cấp cao thường xuyên nhằm tăng cường hợp tác quân sự.
Với nhiều cách thay đổi tiếp cận chiến lược an ninh mới, tờ Asia Times cho rằng Tổng thống Marcos Jr. đã công khai biến Philippines thành một yếu tố then chốt trong chiến lược “răn đe tổng hợp” của Lầu Năm Góc nhằm chống lại Trung Quốc. Thật vậy, nhiều nhà quan sát tin rằng Philippines có thể sẽ trở thành thành phần cốt lõi của một “QUAD mới”, gồm Mỹ và 3 đồng minh hiệp ước hàng đầu của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.