Việc áp "siêu thuế" của Tổng thống Pháp Francois Hollande có ý nghĩa nhằm buộc giới siêu giàu phải trút hầu bao nhiều hơn để đưa quốc gia hình lục giác ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn hai năm qua, nhưng lại bị chỉ trích là "triệt tiêu động lực kinh doanh". Trên thực tế, chính sách này chẳng những không đem lại nguồn thu như Paris mong đợi, mà còn làm cho ngân sách nhà nước thêm eo hẹp.
Một tờ báo Anh hôm 31-12-2014 dự đoán với cách viết ví von: "Những thay đổi của Francois Hollande nhằm áp mức thuế 75% vào những người có thu nhập trên một triệu euro (khoảng 780.000 bảng Anh) sẽ lặng lẽ biến mất vào những quyển sách lịch sử từ thứ năm ( 1-1-2015)".
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: FT
Chính sách thuế với mức đánh cao chót vót mà người ta gọi là "siêu thuế" ấy được Tổng thống Hollande đề ra trong kế hoạch từng gây rất nhiều tranh cãi vào tháng 9-2012. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cánh tả trong xã hội Pháp, chính sách này vẫn vấp phải những làn sóng chỉ trích dữ dội, thậm chí có người cho rằng chính phủ của ông Hollande đã "tự bắn vào chân mình", bởi nguy cơ dẫn tới làn sóng vượt biên giới di cư sang nước khác để "né" thuế của giới siêu giàu, tầng lớp "danh gia vọng tộc" của Pháp. Lãnh đạo các nghiệp đoàn, giới kinh doanh cũng đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà đầu tư sẽ lũ lượt kéo nhau rời bỏ Pháp.
Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp và là ông chủ của tập đoàn hàng cao cấp Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) đã xin quốc tịch Bỉ. Trong khi đó, nam diễn viên Gérard Depardieu thì vượt biên giới sang Bỉ trước khi được nhận làm công dân Nga. Những cầu thủ bóng đá có thu nhập cao ở Pháp cũng đã dọa đình công, trong khi giới chủ các câu lạc bộ và lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Pháp cảnh báo với mức thuế này họ sẽ không thể thu hút các cầu thủ đẳng cấp quốc tế đến Pháp chơi bóng được nữa.
Đa số người đóng thuế ở Pháp không ủng hộ mức thuế suất 75%, dù hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy trung bình 10 người được hỏi thì có khoảng 6 người cho rằng cần nâng thuế thu nhập đối với người giàu. Lần đầu tiên khi trình Hội đồng Hiến pháp xem xét vào cuối năm 2012, "siêu thuế" đã bị bác bỏ, buộc phải điều chỉnh để đúng một năm sau nhận được cái gật đầu của hội đồng này. Theo đó, mức thuế 75% không phải đánh hoàn toàn vào cá nhân người thu nhập cao mà doanh nghiệp sẽ phải trả 50% thuế cho những khoản lương trên 1 triệu euro cộng thêm các khoản thuế và phí khác thành 75%.
Mục đích của chính sách thuế nói trên là tìm kiếm sự đóng góp của người giàu nhằm giúp đất nước vượt qua cơn khủng hoảng tài chính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiết chế việc trả lương khủng cho giới điều hành. Tuy nhiên, các báo cáo của Bộ Tài chính Pháp cho thấy nguồn thu từ khi áp dụng "siêu thuế" đã giảm, chỉ ở mức 260 triệu euro năm 2013 và còn khoảng 160 triệu euro năm 2014. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách trong cùng thời kỳ lại vọt lên tới 84,7 tỉ euro.
Có thể nói, Pháp là quốc gia mang gánh nặng thuế lớn nhất trong các nền kinh tế phát triển. Thuế cao đánh vào tài sản và lãi đầu tư bị cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế, đầu tư èo uột tại nền kinh tế chập choạng này trong thời gian dài. Chính phủ đương thời của ông Hollande khẳng định không có sự gia tăng đột biến về tình trạng trốn thuế kể từ khi nắm quyền như truyền thông đưa tin. Tuy vậy, làn sóng phản đối "siêu thuế" là có thực và ngày càng quyết liệt cùng với đó là hiệu quả ngoài mong đợi do chính sách này mang lại đã buộc Tổng thống Hollande phải tiếp tục tính toán điều chỉnh cho phù hợp.
SONG VY (Theo Guardian và AFP)