24/06/2010 - 08:49

Peru - “Kinh đô mới” của vùng nguyên liệu ma túy Andes

Cảnh sát chống ma túy Peru đi kiểm tra các vùng trồng cây coca ở miền Trung nước này. Ảnh: New York Times

Báo cáo năm 2010 của Cơ quan chống Ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC), công bố ngày 22-6, cho biết Peru đã vượt Colombia trở thành quốc gia sản xuất lá coca (nguyên liệu bào chế cocaine) lớn nhất vùng Andes và thế giới.

Theo UNODC, sản lượng lá coca ở Peru năm 2009 đạt 119.000 tấn, chiếm 45,4% của thế giới, so với 103.000 tấn ở Colombia. Hiện tại, Colombia vẫn là nơi có nguồn cocaine được chế biến lớn nhất hành tinh, nhưng có thể sớm bị Peru qua mặt. Diện tích trồng coca ở Colombia so với năm trước đã giảm 16%, còn 68.000 héc-ta, trong khi tại Peru tăng từ 56.100 héc-ta lên 59.900 héc-ta. Trong 10 năm qua, diện trích trồng coca ở Peru tăng 55%. Sản lượng cocaine được chế biến ở Colombia đã giảm mạnh từ 600 tấn năm 2007 xuống còn 410 tấn năm ngoái. Báo cáo chưa cập nhật sản lượng cocaine tại Peru hồi năm ngoái, nhưng cho biết năm 2008 là 302 tấn, tăng 4,1% so với năm trước.

Có thể nói Peru đang nổi lên là một đất nước nóng bỏng về ma túy chẳng kém Colombia. Theo tập quán do lịch sử để lại, ở Peru và một số nước Nam Mỹ khác, lá cây coca được cư dân bản địa sử dụng trong đời sống có tác dụng về mặt sức khỏe. Họ thường nhai sống lá để tăng cường sức lao động hàng ngày. Nhưng khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, tinh chất cocaine được trích xuất từ thứ lá trên đã đặt cả thế giới vào một cuộc chiến khắc nghiệt chống lại hiểm họa khôn lường do chúng tạo ra. Chính phủ Peru một mặt phải thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của thế giới trong việc ngăn chặn “cái chết trắng” đang lan tràn, một mặt phải tôn trọng nhu cầu sử dụng lá coca theo truyền thống của cư dân bản địa.

Điều làm cho nhà cầm quyền Peru lo ngại là sau những chiến dịch phối hợp hành động có hiệu quả giữa lực lượng phòng chống ma túy Mỹ và Colombia, những kẻ buôn lậu ma túy, chủ yếu là các tập đoàn ở Mexico, đã chuyển địa bàn hoạt động sang Peru. Theo số liệu của chính phủ Peru, các tay buôn lậu ma túy ở nước này trong năm qua đã thu lợi hơn 22 tỉ USD, gần 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính quyền Peru cho rằng những phần tử còn lại của nhóm vũ trang nổi dậy chống chính phủ hồi những năm 1980 và 1990 hiện đang làm việc như “những tay súng đánh thuê” cho các tổ chức buôn lậu ma túy.

Chính quyền Peru chủ trương thương thảo với những nông gia trồng coca thuyết phục họ chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác, nhưng giải pháp này xem ra không mang lại hiệu quả, bởi như giám đốc điều hành UNODC Antonio Maria Costa nói “còn cầu ắt còn cung”. Theo các quan chức Peru, Mỹ và châu Âu vẫn là những thị trường chính tiêu thụ nguồn cocaine chế biến tại Peru. Vì vậy, các quan chức Liên Hiệp Quốc cho rằng các nước tiêu thụ nguồn cocaine này phải thể hiện trách nhiệm của họ trong việc phối hợp cùng Peru, cũng như với các quốc gia khác ở vùng Andes, kéo giảm nhu cầu tiêu thụ cocaine tiến tới triệt tiêu việc chế biến loại ma túy này.

PHÚC KIẾN (Theo AFP, CNN, Bloomberg, LBC)

Chia sẻ bài viết