24/09/2011 - 09:30

Pakistan - "Kinh đô đánh bom tự sát"

10 năm kể từ vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9 và hàng loạt đòn “trả đũa” được thực hiện bởi quân đội Mỹ, Pakistan dường như đã trở thành “kinh đô đánh bom tự sát” của thế giới.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ Pakistan, trong thập niên qua đã xảy ra 303 vụ đánh bom tự sát (ĐBTS) ở khắp mọi nơi với số người thiệt mạng lên tới 4.808 và 10.149 người bị thương. Trung bình mỗi năm có 30 vụ ĐBTS, giết chết 480 người và làm bị thương 1.014 người kể từ năm 2002.

Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở Swabi ngày 20-3-2011 làm thiệt mạng 12 người.  Ảnh: Reuters 

Trong khi đó tại Iraq, những vụ ĐBTS đã giết chết hơn 12.000 dân thường và làm 30.000 người bị thương từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2003, theo Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh). Còn ở Afghanistan, trong vòng 10 năm từ sau vụ thủ lĩnh Liên minh phương Bắc Ahmad Shah Massoud thiệt mạng trong một vụ ĐBTS của tổ chức khủng bố al-Qaeda vào ngày 9-9-2001, tổng cộng 736 vụ đánh bom liều chết đã xảy ra làm 3.755 người thiệt mạng, theo Viện Quản lý xung đột có trụ sở tại Ấn Độ và Cổng thông tin chống khủng bố Nam Á.

Điều đáng nói là tuy số lượng thương vong trong các vụ ĐBTS ở Iraq cao hơn nhưng đang có xu hướng giảm dần, còn ở Pakistan thì ngược lại. Mặt khác, Pakistan không phải ở trong thời kỳ có chiến tranh như tại Iraq hay Afghanistan.

Trước khi xảy ra vụ 11-9, Pakistan chỉ phải hứng chịu một vụ ĐBTS. Đó là vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Ai Cập ở Thủ đô Islamabad. Thế nhưng các vụ ĐBTS bắt đầu “nở rộ” tại nước này từ năm 2002. Cuộc tấn công đầu tiên xảy ra ngày 16-3 năm đó khi một người đàn ông gắn bom lên người làm nổ tung một nhà thờ ở Islamabad, khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Cũng trong năm 2002, 15 người chết và 35 người bị thương vào ngày 8-5 khi một kẻ cài bom lên người liều chết xông vào chiếc xe buýt gần khách sạn Sheraton ở thành phố Karachi. Trong số những người thiệt mạng có 9 kỹ sư người Pháp và 5 nhân viên kỹ thuật người Pakistan đang làm việc cho một dự án hải quân. Chính các cuộc tấn công trên đã góp phần đưa Pakistan vào bản đồ những nước bị thiệt hại nặng nề do ĐBTS.

Động cơ chính ẩn sau hàng loạt cuộc tấn công liên tiếp trên là hậu quả từ vụ khủng bố ngày 11-9, khi Pakistan trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến “chống khủng bố”. Việc này đã khiến cho quân đội Pakistan mâu thuẫn với các tổ chức thánh chiến ở Afghanistan và bang Jammu-Kashmir (Ấn Độ) vốn trước đây được Islamabad hỗ trợ. Ngoài ra, al-Qaeda và Taliban ở Pakistan cũng đã học được những kỹ năng đánh bom liều chết từ các phần tử khủng bố ở Afghanistan.

Năm 2003 có 70 người chết và 114 người bị thương trong 3 vụ ĐBTS ở quốc gia này. Trong đó, hai vụ nhằm vào Tổng thống Pervez Musharraf và một vụ nhằm vào Thủ tướng Shaukat Aziz. Những năm sau đó, số người chết và bị thương không ngừng tăng lên. 2007 là năm mà số vụ đánh bom liều chết tăng đột biến trong bối cảnh quân đội Pakistan mở chiến dịch tấn công các giáo sĩ và tín đồ cuồng tín ở Lal Masjid (Nhà thờ Đỏ) tại trung tâm Islamabad. Sau cuộc vây hãm Lal Masjid hồi tháng 7, Tổng thống Musharraf đã phải ra lệnh cho lực lượng vũ trang không mặc đồng phục nơi công cộng, đặc biệt là ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, do lo ngại trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan. Tổng cộng có 766 người chết và 1.677 người bị thương do ĐBTS trong năm này. Số người thiệt mạng trong các năm 2008, 2009 và 2010 còn cao hơn, lần lượt là 895, 951 và 1.172 người. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 600 người chết và khoảng 900 người bị thương trong các vụ ĐBTS ở Pakistan.

LAN TRINH (Theo Asia Times)

Chia sẻ bài viết