17/10/2021 - 19:39

Nước Mỹ đang trở lại? 

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hồi đầu tháng 2 năm nay, Tổng thống Joe Biden khi đó mới làm chủ Nhà Trắng được 2 tuần, đã mạnh dạn tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại”. Khác với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden chủ trương hợp tác với các đồng minh, đối tác cũng như các thể chế quốc tế.

Hơn 8 tháng sau, tuyên bố trên dường như đang dần được hiện thực hóa.

Ngày 14-10, Mỹ đã trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau hơn 3 năm vắng bóng. Trong thời gian tại vị, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích LHQ và trên thực tế đã rút Mỹ khỏi 2 cơ quan của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới là Hội đồng Nhân quyền và Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học (UNESCO), đều vì muốn bênh vực đồng minh Israel.

Trước đó, hôm 5-10, Mỹ đã lần đầu tiên kể từ năm 2018 cho công bố quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, với lý do “Tăng cường tính minh bạch của kho dự trữ hạt nhân của các quốc gia quan trọng với nỗ lực không phổ biến và giải trừ quân bị”. Chính quyền ông Biden cũng đã thương lượng thành công với Nga về việc gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), vốn bị “ghẻ lạnh” dưới thời ông Trump.

Mỹ viện trợ vaccine cho Honduras thông qua COVAX.

Hiện Washington cũng đang hối thúc Tehran trở lại bàn đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hồi năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt lên Cộng hòa Hồi giáo. Hãng tin Fars của Iran hôm 2-10 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Hossein Amirabdollahian cho biết: “Người Mỹ đã tìm cách liên lạc với chúng tôi thông qua các kênh khác nhau (tại Ðại Hội đồng LHQ) ở New York”.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phần nào được cải thiện. Tháng 7 năm ngoái, chính quyền ông Trump đã thông báo với LHQ về việc rút khỏi WHO để phản đối việc cơ quan này, mà nhất là cá nhân Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, “thiên vị Trung Quốc” trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Ðến nay, Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 1,1 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo, trong đó một phần đáng kể thông qua cơ chế COVAX do WHO dẫn dắt. Có lẽ nhờ chính sách tiếp tục can dự của Mỹ mà WHO vừa quyết định thành lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19, sau khi cuộc điều tra trước đó bị Washington và đồng minh chỉ trích là phiến diện vì chưa nhận được sự hợp tác đầy đủ từ Bắc Kinh.

Còn nhớ, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức tổng thống ngày 20-1 năm nay, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris, đồng thời bổ nhiệm chính khách kỳ cựu John Kerry làm Ðặc phái viên của tổng thống về biến đổi khí hậu. Kể từ đó, Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới đã có những hành động tích cực nhằm bảo vệ môi trường, mà gần đây nhất là cùng Liên minh châu Âu (EU) đề ra sáng kiến “Cam kết cắt giảm methane toàn cầu” được nhiều nước hưởng ứng.

Trong số các tổ chức và thỏa thuận đa phương mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời ông Trump, dư luận đang quan tâm liệu Tổng thống Biden có đưa Mỹ trở lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tiền thân là TPP do Mỹ khởi xướng) hay không, sau khi Trung Quốc hồi tháng rồi bất ngờ đệ đơn xin gia nhập.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết