10/11/2018 - 09:35

Nửa triệu người chết vì “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ 

Theo báo cáo công bố hôm 8-11, khoảng nửa triệu người ở Iraq, Afghanistan và Pakistan đã chết do “cuộc chiến chống khủng bố” mà Mỹ phát động sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng bằng máy bay tại xứ cờ hoa cách đây 17 năm.

Con số thực tế còn cao hơn

Nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) cho biết 480.000-507.000 người thiệt mạng, tăng 22% so với báo cáo hồi tháng 8-2016. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn. Họ bao gồm những phần tử nổi dậy, lực lượng an ninh, cảnh sát địa phương, dân thường, binh sĩ Mỹ và đồng minh. Nếu tính cả những nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến, chẳng hạn do nhà cửa sụp đổ hoặc bệnh tật, thì số người chết lên đến hơn 1 triệu.

 Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: NBC

Tác giả báo cáo cho biết nhiều trường hợp tử vong được báo cáo là các tay súng, nhưng có thể họ chính là thường dân. “Chúng ta có thể không bao giờ biết được chính xác tổng số người thiệt mạng trong các cuộc chiến này. Ví dụ, hàng chục ngàn dân thường có thể đã mất mạng trong chiến dịch tái chiếm Mosul của Iraq và các thành phố khác từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng thi thể của họ thì không thể tìm thấy”- Neta Crawford chia sẻ.

Trong khi thương vong ở Pakistan đã giảm hơn 80% trong vài năm qua, thì các cuộc giao tranh dữ dội tại Afghanistan tiếp tục tạo ra những kỷ lục chết chóc liên quan dân thường và các lực lượng thân chính phủ. Theo giới quan sát, 2018 là năm đẫm máu nhất kể từ khi Mỹ khởi xướng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, sau vụ tấn công ở thành phố New York vào ngày 11-9-2001. Afghanistan là nơi al-Qaeda lên kế hoạch thực hiện vụ khủng bố này.

Ngoài ra, Taliban đang chống chính quyền Kabul do Mỹ hậu thuẫn hòng tái thiết lập luật Shariah hà khắc của Hồi giáo và tăng cường các cuộc tấn công tại những tỉnh chiến lược của quốc gia Nam Á.

Tỷ lệ người chết tăng cao cũng khiến một số nhân vật trong Quốc hội Mỹ dự định tái đánh giá cuộc chiến chống khủng bố. Không chỉ tổn thất lớn về nhân mạng, cuộc chiến này còn “ngốn” đến 5,6 ngàn tỉ USD tiền thuế của người dân nước này, tức trung bình một người tốn ít nhất 23.386 USD.

Âm thầm mở rộng cuộc chiến

IS gần như đã thất thủ ở Iraq và Syria, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là vẫn đang tăng cường cuộc chiến chống tổ chức khủng bố ở cách xa các chiến trường lâu nay ở Trung Đông. Báo cáo xuất bản đầu tuần này cho thấy Lầu Năm Góc đã “bật đèn xanh” cho 3 chiến dịch bí mật mới hồi tháng 2-2018, vài tháng sau khi 4 lính đặc nhiệm Mỹ chết dưới tay các tay súng thân IS ở Niger.

Ba chiến dịch dự phòng trên, bao gồm hai ở khu vực Tây Bắc và Đông Phi, được vạch ra để diệt trừ những phần tử khủng bố thân IS và al-Qaeda tại Trung Đông cũng như một số vùng cụ thể của châu Phi. Trong khi chi tiết của các hoạt động quân sự này khá ít do tính chất nhạy cảm của nó, Lầu Năm Góc không thể giải đáp những thắc mắc liên quan đến sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây. Về việc gắn mác bí mật cho các chiến dịch, Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích rằng điều này giúp bảo vệ sự tự do di chuyển của các lực lượng, tạo một lớp bảo vệ cho họ cũng như các chiến thuật và kỹ thuật chiến đấu.

Đáng nói, các chiến dịch mới lại ra đời chỉ vài tháng sau khi giới chức Lầu Năm Góc trình bày chi tiết các kế hoạch giảm số lượng sứ mệnh của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại lục địa đen, trong bối cảnh cơ quan này tập trung vào cái gọi là “cuộc cạnh tranh sức mạnh khốc liệt” với những quốc gia như Nga và Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng những chiếc vòi của IS đe dọa khu vực này thậm chí lớn hơn cả tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram.

Tuy nhiên, tiếp tục dồn sức vào chiến dịch chống IS ở châu Phi không nhất thiết phải mờ ám như thế. Theo nhận định của nhà phân tích Lauren Ploch, các chiến binh nước ngoài cầm súng chống Mỹ tại Iraq và Syria hiện đang hồi hương và có thể trở thành những phần tử nổi dậy, tương tự như hàng ngàn tay súng al-Qaeda và IS đến từ Tunisia. 

THANH BÌNH (Theo AFP, The Nation)

Chia sẻ bài viết