08/12/2021 - 21:52

Nội soi phế quản lấy hạt sapôchê mắc trong phổi 26 năm

(CT) - Ngày 7-12, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp đã nội soi phế quản gắp thành công hạt sapôchê (hồng xiêm) mắc trong phế quản 26 năm, chấm dứt các tình trạng ho, viêm phổi kéo dài cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nam P.T.T 69 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được chuyển đến Bệnh viện vào ngày 2-12 với tình trạng mệt nhiều, ho đàm đục, khó thở tăng dần, sốt nhẹ, ngực phải đau nhiều, phổi phải giảm thông khí. Kết quả X-quang ngực thẳng ghi nhận bóng mờ vùng đáy phổi phải, nghi ngờ dị vật. Bệnh nhân còn có bệnh lý nội khoa đái tháo đường tuýp 2 nhiều năm. Quá trình lấy dị vật rất khó khăn do dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản. Sau 90 phút nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật hạt sapôchê nằm trọn hết thùy dưới phổi phải.

Hai trường hợp khác cũng được các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp nội soi phế quản lấy dị vật là xương cá mắc trong phổi bệnh nhân suốt 9 tháng và hạt bắp bị sặc rơi vào phế quản.

Ts.Bs Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng Khoa Nội Hô hấp cho biết: Dị vật khí phế quản là các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong khí phế quản, bệnh nhân không để ý, không được chẩn đoán thành dị vật bỏ quên. Có hai đặc điểm, một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do đôi khi xảy ra thoáng qua; hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.

Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài, kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật gây nên tình trạng viêm phổi nghẽn tái đi tái lại, gây khó khăn khi lấy dị vật.

Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay các triệu chứng mạn tính: nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân. Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

H.HOA

Chia sẻ bài viết