 |
Quan hệ giữa Thủ tướng Berlusconi (trái) và Chủ tịch Quốc hội Fini ngày càng rạn nứt.
Ảnh: Telegraph |
Phong trào Nhân dân Tự do (PdL) cầm quyền của Thủ tướng Silvio Berlusconi đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, sau khi một nhóm các nghị sĩ chống đối thông báo hôm 29-7, rằng họ đã ký thư từ bỏ tư cách dân biểu của PdL và đã chuyển thư này tới Chủ tịch Quốc hội Gianfranco Fini. Vụ việc này có thể đẩy nước Ý vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.
Động thái trên diễn ra sau khi lãnh đạo PdL đưa ra tuyên bố mạnh mẽ lên án ông Fini, đồng sáng lập PdL, vì đã kích động sự bất đồng ý kiến trong nội bộ đảng. Tuyên bố này như “châm thêm dầu vào lửa” sau những căng thẳng lâu nay giữa Thủ tướng Berlusconi và Chủ tịch Quốc hội Fini, mặc dù họ từng là đồng minh quan trọng từ khi ông Berlusconi bước vào chính trường 16 năm trước.
Vài tháng qua, ông Fini đã làm phật lòng Thủ tướng Berlusconi khi kêu gọi “đạo đức” hơn trong chính phủ, chỉ trích việc hạn chế nghe lén điện thoại và phàn nàn “phong cách độc tài” của ông Berlusconi. Ông Fini cũng yêu cầu cần có nhiều chính sách cấp tiến hơn, dân chủ hơn trong nội bộ PdL và có thái độ cương quyết đối với các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng. Sau những chỉ trích gay gắt, ông Fini đề nghị “đình chiến” khi nói rằng sẵn sàng “chôn vùi” những tranh cãi với thủ tướng để cùng làm việc vì sự tốt đẹp cho đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Berlusconi cự tuyệt “cành ô-liu” và cho rằng đã quá trễ để nối lại tình bằng hữu, đồng thời yêu cầu ông Fini nên từ chức. Đáp lại, vị Chủ tịch Quốc hội nói vị trí này không phải là món quà của Thủ tướng Berlusconi và ông không có ý định ra đi. Tuyên bố mới nhất từ những người ủng hộ ông Fini cho biết họ chuẩn bị tách ra thành một nhóm riêng ở Quốc hội.
Thủ tướng Berlusconi cho rằng thế đa số của ông ở Quốc hội vẫn an toàn và “chính phủ không có nguy cơ đổ vỡ”. Tuy nhiên, các nguồn tin từ phe của ông Fini nói họ có thể phá vỡ sự cân bằng ở Thượng viện 315 ghế và có thể lôi kéo một nhóm ít nhất 34 dân biểu ở Quốc hội đứng về phía họ. Nếu vậy, thế đa số của ông Berlusconi ở Quốc hội 630 ghế sẽ lung lay và nhiều khả năng ông Berlusconi phải đi đến kết cuộc là kêu gọi bầu cử sớm. Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDP) đối lập, ông Pierluigi Bersani cũng đã lên tiếng: “Đây là cuộc khủng hoảng. Ông Berlusconi phải đối chất trước Quốc hội”.
Các nhà phân tích dự báo chính phủ của Thủ tướng Berlusconi sẽ khó tồn tại đến hết nhiệm kỳ 5 năm (bắt đầu vào tháng 5-2008). Hiện tỷ lệ ủng hộ cá nhân ông Berlusconi giảm từ hơn 50% năm ngoái xuống còn 39%. Tỷ lệ ủng hộ PdL giảm còn 31%, chỉ cao hơn 3% so với CDP.
N. MINH (Theo Guardian, Telegraph)