18/09/2020 - 12:00

Nở rộ xu hướng “bay không tới đâu” tại châu Á 

Hãng hàng không Úc Qantas Airways ngày 17-9 thông báo sẽ mở chuyến bay ngắm cảnh xứ chuột túi trong tháng tới. Đây là một phần trong xu hướng cất và hạ cánh tại cùng một sân bay, đang phát triển mạnh ở châu Á.

Máy bay hình Hello Kitty. Ảnh: EVA Air

Theo thông báo, Qantas sẽ sử dụng chiếc Boeing 787 Dreamliner để thực hiện chuyến bay kéo dài 7 giờ, chở 150 hành khách cất cánh từ phi trường Sydney, bay tầm thấp qua các địa danh núi đổi màu Uluru, rạn san hô Great Barrier và Cảng Sydney trước khi trở về điểm xuất phát. Giá vé của tour tham quan này từ 575-2.765 USD, tùy thuộc vào hạng ghế. Thông thường, 787 Dreamliner phục vụ cho các chuyến bay quốc tế.

Chỉ cách đây 6 tháng, có lẽ người dân Úc chẳng thể hình dung ra cảnh không được lên máy bay để xuất cảnh hay thậm chí không được bay ra khỏi bang của mình do bị “trói chân” bởi các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce khẳng định hãng có thể truyền cảm hứng để thực hiện những chuyến bay tới một số địa điểm đẹp nhất nước Úc trong tương lai.

Không nằm ngoài xu hướng trên, Singapore Airlines mới đây tiết lộ kế hoạch cho phép hành khách trải nghiệm lại cảm giác đi máy bay, từ khâu làm thủ tục cho đến cất cánh, vào tháng tới. Tuy nhiên, chuyến bay kéo dài khoảng 3 giờ này sẽ cất cánh và hạ cánh đều ở phi trường Changi của đảo quốc sư tử.

Trước cảm giác thèm bay của hành khách, các hãng hàng không khác tại châu Á như EVA Airways và ANA Holdings cũng đã tung ra các chuyến bay ngắm cảnh độc đáo. Tháng rồi, EVA của Ðài Loan đã sử dụng máy bay trang trí hình cô mèo Hello Kitty để thực hiện chuyến bay giải trí nhân Ngày của Cha. Cất và hạ cánh từ sân bay quốc tế Ðào Viên ở Ðài Bắc, chuyến bay kéo dài 2 giờ 45 phút bay ở độ cao khoảng 6km để hành khách có thể nhìn cận cảnh Ðài Loan.

Gần đây, Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA khai thác chuyến bay vòng quanh khu vực Tokyo trong 90 phút bằng chiếc A380 “Flying Honu”. Không phải ngẫu nhiên ANA chọn “Flying Honu” bởi máy bay này bình thường được sử dụng để phục vụ chặng Tokyo (Nhật Bản) đi Honolulu (Hawaii, Mỹ). Do vậy, khi tham gia chuyến bay tham quan, hành khách cũng được phục vụ để có thể trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng Hawaii. Sau thành công rực rỡ của dịch vụ, hãng này đang chuẩn bị cho chuyến bay tương tự tiếp theo.

Riêng Hãng hàng không quốc gia Royal Brunei Airlines đang khai thác các chuyến bay tham quan “Ăn tối và bay” với chuyến đầu tiên diễn ra hôm 16-8, kéo dài 85 phút. 99 hành khách trên “chim sắt” đã được dịp ngắm nhìn đảo Borneo trong khi thưởng thức bữa ăn.

Ðại diện của China Airlines gần đây cho biết họ đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường nội địa sau khi thực hiện hai chuyến bay cất/hạ cánh tại Ðài Bắc. Sự phấn khích này còn có thể thấy qua việc Tigerair tuy đưa ra giá vé cho chuyến bay khởi hành từ Ðài Bắc rồi lượn trên bầu trời đảo Jeju của Hàn Quốc lên tới 228 USD, nhưng đã được bán sạch chỉ trong 4 phút. Còn vé cho chuyến bay giải trí của Qantas thì được bán sạch chỉ trong 10 phút.

Thật ra, bay kiểu này không phải mới bởi chính Qantas và Air New Zealand trước đây cũng từng thực hiện các chuyến tham quan Nam Cực. Tuy nhiên, trong cơn khủng hoảng trầm trọng do COVID-19 gây ra, các hãng hàng không phải nỗ lực tìm ra những cách thức, kể cả dùng lại “chiêu cũ”, để duy trì doanh thu. Những chuyến bay Singapore Airlines triển khai là cách để giúp hãng vượt qua một năm thua lỗ kỷ lục do dịch bệnh. Các biện pháp kiểm soát biên giới đã kéo giảm tới 97,5% hoạt động đi lại quốc tế trong khu vực, theo Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương.

Ngành “công nghiệp không khói” thiệt hại hàng trăm tỉ USD do COVID-19 

Lượng khách du lịch giảm do đại dịch đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 460 tỉ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là kết luận trong báo cáo mới của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO).

UNWTO cho biết tới đầu tháng 9, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch mới chỉ được thực hiện tại khoảng 50% số điểm du lịch và phải mất từ 2 đến 4 năm nữa ngành du lịch thế giới mới có thể trở lại như mức của năm 2019.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết