03/12/2021 - 07:55

Những thói quen hằng ngày dễ dẫn tới béo phì 

Không chỉ làm cơ thể mất cân đối và trông nặng nề, béo phì còn là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch và thậm chí cả ung thư. Ngoài một số nguyên nhân phổ biến như ăn quá nhiều, lười vận động và vấn đề di truyền, một số nguyên nhân bất ngờ khác từ lối sống hằng ngày có thể khiến bạn tăng cân nhanh chóng, điển hình như sau:

+ Chỉ chú ý đến số lượng calo dung nạp và tiêu hao. Trong nhiều thập kỷ qua, khi nói đến vấn đề giảm cân, lời khuyên thường gặp là lượng calo dung nạp từ thực phẩm phải thấp hơn lượng calo tiêu hao qua các hoạt động. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy bí quyết giảm cân hiệu quả nằm ở điểm mấu chốt khác.

Thói quen ăn vặt dễ dẫn tới béo phì.

Giáo sư y khoa JoAnn Manson (Mỹ) cho biết: “Chất lượng của chế độ ăn quan trọng hơn số lượng calo. Một chế độ ăn chất lượng cao sẽ tự động dẫn đến việc kiểm soát lượng calo tốt hơn - bạn sẽ ăn những thực phẩm giúp no bụng tốt hơn”. Ðiều này nghĩa là thay vì lo đếm số calo, bạn cần tập trung vào việc tiêu thụ những thực phẩm bổ dưỡng có thể làm no bụng tốt hơn. Trái lại, một chế độ ăn chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn, không tốt cho sức khỏe - như khoai tây chiên và bánh ngọt - sẽ làm tăng lượng đường huyết, khiến nồng độ insulin tăng đột biến và dẫn đến cảm giác đói thường xuyên, ngay cả khi bạn đang tích cực tập thể dục.

+ Ăn những thực phẩm không giúp “no bụng”. Theo Giáo sư Manson, tiêu thụ thực phẩm không giàu dinh dưỡng không giúp dẫn đến no bụng, nên bạn có xu hướng ăn quá nhiều và dẫn tới tăng cân nhanh chóng. Do vậy, bạn cần thiết lập một kế hoạch ăn uống chất lượng cao như theo đuổi chế độ ăn Ðịa Trung Hải, vốn ưu tiên tiêu thụ trái cây, rau củ, cá và dầu ôliu, trong khi ăn ít thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.

+ Ăn vặt không đúng cách. Ðể giảm cảm giác đói cồn cào giữa các bữa ăn chính, bạn nên chọn ăn các loại hạt thay vì các loại bánh ngọt hoặc khoai tây chiên. Việc tiêu thụ các thức ăn vặt lành mạnh có thể giúp chúng ta thấy no bụng hơn, trong khi không làm thừa lượng calo dung nạp, mà còn giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng.

+ Không ăn những loại rau quả có lợi. Các loại rau không chứa tinh bột và ngũ cốc nguyên hạt mang lại cảm giác no bụng lâu hơn. Do đó, việc ưu tiên tiêu thụ nhóm rau củ và ngũ cốc này thay vì các loại rau giàu tinh bột (như khoai tây và đậu Hà Lan) và các chế phẩm làm từ bột mì trắng hoặc đã tinh chế có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột. Một số rau quả không chứa tinh bột bao gồm bông cải xanh, bắp cải tí hon (Brussel), cà rốt, bông cải trắng, đậu, nấm và rau xà lách.

+ Vận động thể chất không đủ. Ngoài việc có chế độ ăn uống không khoa học (như thường xuyên ăn vặt, ăn đêm, tiêu thụ thức ăn/đồ uống chứa nhiều đường và ít chất dinh dưỡng), thì thói quen ngồi lâu và ít tập thể dục cũng góp phần làm tăng nguy cơ béo phì. Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người trưởng thành cần dành ra 150 phút mỗi tuần để tập thể dục ở cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh, đạp xe).

HƯƠNG THẢO (Theo Eatthis.com)

Chia sẻ bài viết