17/01/2008 - 09:35

Những đứa trẻ khát tình thương

Các nhà tâm lý học, các cơ quan luật pháp đều khẳng định tỷ lệ trẻ em hư hỏng, bỏ học, bị lôi kéo vào con đường phạm tội ngày càng nhiều có nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Trong đó, phần lớn các trường hợp do cha mẹ ly hôn. Hiện chưa có cơ quan nào làm nhiệm vụ thống kê đầy đủ về số trẻ em phải sống cảnh xa cha, mẹ khi gia đình đổ vỡ hạnh phúc. Nhưng thực tế cho thấy số trẻ này phải chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, có khi phát triển lệch lạc vì thiếu một mái ấm gia đình thật sự.

Nhọc nhằn tuổi thơ

Khu ăn uống ở chợ Cái Khế cuối tuần thật nhộn nhịp. Huỳnh Văn Y len lỏi giữa những dãy bàn khách ngồi ăn sáng, chìa xấp vé số và kiên nhẫn mời từng người. Chiếc áo sơ mi ngắn tay mỏng manh, cũ kỹ không đủ ấm cho em vào những ngày cuối năm lạnh giá. Mới 10 tuổi đầu nhưng cậu bé Y đã có những tháng ngày oằn mình với những trận đòn tàn nhẫn của mẹ kế.

Sau khi mẹ Y bỏ nhà đi, cha em rước mẹ kế về sống chung. Mẹ kế bắt Y đi bán vé số mang tiền về. Hôm nào bán không hết, em phải chịu những trận đòn và không được ăn cơm. Cha Y vì nghe lời người vợ này nên cũng bỏ mặc em. “Có hôm con bị giật hết vé số, dì cũng đánh con, bỏ đói không cho ăn cơm. Nếu con nói với cha thì hôm sau dì đánh con nhiều hơn nữa!”, Y kể mà đôi mắt em còn hằn lên nỗi khiếp sợ. Những trận đòn, những đêm bị bỏ đói đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ trong tâm hồn của Y. Một lần mẹ Y về thăm em. Biết trước là mẹ không đưa em đi theo, nên đợi khi mẹ ra bến xe, Y đi theo phía sau nhưng không dám gọi mẹ. Đến cổng bến xe, người bảo vệ tưởng Y là dân móc túi nên chặn lại không cho vào. Lúc này, Y thấy mẹ bước lên xe nên thảng thốt gọi mẹ. Mẹ Y quay lại và đưa em về Cần Thơ sống đến bây giờ.

Nhà nghèo không có góc học tập, Bích Ngọc (7 tuổi) phải dùng giường ngủ làm nơi học bài.

Mỗi ngày, Y bán vé số ở khu vực chợ Cái Khế, Nhà hàng Đoàn 30 và những trạm xe buýt gần đó. “Từ khi về sống với mẹ và cha dượng, em không còn bị đòn và bị bỏ đói nữa! Mẹ nói sẽ đưa em về sống với bà nội ở Sài Gòn. Em sẽ được ăn ngon, có quần áo mới”, giọng Y ngập ngừng.

Vừa chập chững những bước đi đầu đời, Nguyễn Thị Bích Ngọc (ở khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) đã không còn được nũng nịu trong vòng tay yêu thương của mẹ. Tuổi ấu thơ của em là chuỗi ngày long đong, gian khổ cùng cha trên con đường mưu sinh. Đó là những buổi trưa nắng gắt ngồi trên xuồng cùng cha chở đất mướn, những ngày mưa trên xe bán dừa dạo của cha. Có lẽ vì thế mà trông bé Ngọc “người lớn” hơn so với tuổi của học sinh lớp 1. Bé Ngọc có thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt đen, to tròn đượm nét ưu tư. Em vẫn luôn ao ước được mẹ chải đầu, cột tóc vào mỗi sáng đi học. Nhưng đó chỉ mãi là mong ước mà bé Ngọc không bao giờ có được. Mặc dù nhà mẹ Ngọc chỉ cách nhà em có vài cây số. Nhưng vì mẹ em đã bỏ nhà ra đi và lập gia đình khác.

Hằng ngày, sau mỗi giờ tan học, trong khi các bạn đồng trang lứa được cha mẹ rước về chăm sóc bữa ăn thì bé Ngọc, mới 7 tuổi đầu, đã phải tự làm bữa ăn cho mình bằng việc nhóm lửa từ lá dừa khô để nấu mì gói. Khi trời tối mịt, hai cha con mới có được bữa cơm chiều. Cứ thế, gần 7 năm qua... chỗ ở của hai cha con là căn chòi lá chưa đầy 5m2 dựng nhờ trên đất của người chú.

Cần lắm những mái ấm...

Vừa về đến cổng nhà, Nguyễn Hoàng Em, 10 tuổi đã cười rất tươi. Khoanh tay chào hỏi các cô và khách, Hoàng Em chạy ào vào nhóm bạn đang chơi đùa ở trước sân nhà. Thấm thoát, Hoàng Em đã có hơn 2 năm sống ở mái ấm Thiên Ân này. Cô Đào Thị Hưởng, Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân, đưa ánh nhìn trìu mến về phía Hoàng Em tươi cười, nói: “Lúc mới vào đây, cả ngày nó cứ lầm lầm lì lì, không nói không cười mà chỉ có phá phách thôi”. Về mái ấm chưa được bao lâu, Hoàng Em lại bỏ đi, các cô ở đây phải lặn lội mấy ngày liền mới tìm thấy em. Với tình thương cùng sự nhẫn nại của các mẹ ở mái ấm đã vỗ về chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, Hoàng Em đã thật sự hòa đồng cùng các bạn, chăm học và ngoan ngoãn.

Năm 2005, vì muốn chạy trốn những trận đòn của cha mà Hoàng Em đã có một cuộc hành trình quá giang xe từ Campuchia đến TP Cần Thơ. Hoàng Em được mấy chú công an phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đem về đây khi em đang lang thang, vất vưởng trên đường phố. Sau hơn 2 năm được các cô ở mái ấm Thiên Ân chăm sóc, Hoàng Em đã được làm khai sinh và đang học lớp 2 Trường Tiểu học Long Tuyền II. Hai năm liền, em đều mang về giấy khen học sinh giỏi cho các mẹ ở mái ấm.

Hôm chúng tôi đến Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân cũng là lúc Hoàng Em sắp được hồi gia. Sau thời gian dài kiên trì tìm kiếm tin tức về gia đình Hoàng Em, các cô ở mái ấm đã liên lạc được với người thân của em. Bà nội của Hoàng Em sẽ đến đón em về nhà trong vài ngày tới. Cầm trên tay bộ quần áo và đôi dép mới, Hoàng Em khoe với chúng tôi: “Tết này con được về với bà nội. Con sẽ được bà nội lì xì tết”. Niềm vui của trẻ em thật nhỏ bé và bình dị. Cũng như niềm vui của Y là mỗi buổi chiều được đến lớp học linh hoạt dành cho trẻ em lang thang ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều. “Ở đó, em có nhiều bạn. Tụi nó cũng bán vé số như em. Chúng em được học chữ, chơi trò chơi, được ăn bữa ăn chiều. Các cô ở đây nấu ăn ngon lắm!”. Tôi nhớ đến đôi mắt long lanh, sáng lên của em khi kể cho chúng tôi nghe những điều này.

***

Những đứa trẻ mà chúng tôi có dịp trò chuyện, tiếp xúc chỉ là một trong số rất ít các em gặp cảnh bất hạnh khi bị chính cha mẹ đẩy ra khỏi mái gia đình. Cô Trần Bạch Yến, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân, trăn trở: “Những em vào đây có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết đều bị tổn thương tinh thần nặng nề. Nhiều em có thời gian dài bị gia đình bỏ rơi, sống cảnh đói lạnh trên đường phố. Các em có những biểu hiện bốc đồng, khác với những đứa trẻ được sống trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ. Chúng tôi rất mong những người xung quanh hãy đối xử với các em như những đứa trẻ bình thường khác”.

- Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TP Cần Thơ: Toàn thành phố đang có trên 24.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, trong đó, có khoảng 15.000 lượt trẻ đã được hỗ trợ qua các chương trình, dự án dành cho trẻ em.
- Bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TP Cần Thơ, cho biết: “Trẻ lang thang có 3 nhóm: Nhóm trẻ sống một mình, trẻ lang thang cùng gia đình và trẻ tụ tập lang thang. Nhóm trẻ tụ tập lang thang chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Phần lớn những trẻ này có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, các em không được sự giáo dục, quan tâm của gia đình, thường tụ tập thành những băng, nhóm phố đêm. Trẻ lang thang có nguy cơ dễ bị xâm hại, vi phạm pháp luật và rơi vào tệ nạn xã hội”. 

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết