31/08/2010 - 09:06

Những dự án lãng phí lớn của Mỹ ở Iraq

Bệnh viện nhi đồng Basra còn hết sức
ngổn ngang. Ảnh: AP

Hãng tin AP và tờ Thời báo Los Angeles của Mỹ ngày 29-8 công bố bản báo cáo của Stuart Bowen, Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Iraq, trong đó liệt kê nhiều công trình, dự án gây lãng phí lớn: nhà tù 40 triệu USD bỏ trống, bệnh viện nhi đồng 171 triệu USD chưa được sử dụng, hệ thống xử lý nước trị giá 104 triệu USD bị ách tắc...

Tháng 3-2004, chính phủ Mỹ trao hợp đồng cho Tập đoàn Parson thiết kế và xây dựng một nhà tù trị giá 53 triệu USD có khả năng giam giữ 3.600 phạm nhân tại vùng sa mạc khô cằn ở phía Bắc Thủ đô Baghdad. Công trình này dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2005, nhưng do tình trạng bạo lực leo thang nên việc khởi công dự án chậm trễ 6 tháng và sau đó tiếp tục bị ngưng trệ. Đến tháng 6-2006, chính phủ Mỹ hủy hợp đồng với Parson vì tập đoàn này nhiều lần trì hoãn công trình và làm phát sinh chi phí, đồng thời trao dự án cho các công ty khác. Tuy vậy, do an ninh bất ổn, quân đội Mỹ quyết định bỏ dự án vào tháng 6-2007 và giao quyền quản lý công trình dang dở này cho Bộ Nội vụ Iraq. Ngoài số tiền 40 triệu USD đã tiêu tốn ban đầu, còn có 1,2 triệu USD vật liệu xây dựng đã trở thành “phế liệu”. Thế nhưng, chính phủ Iraq tuyên bố họ không cần nhà tù này và Bộ Nội vụ từ chối tiếp tục hoàn chỉnh hay quản lý công trình.

Bệnh viện nhi đồng 74 giường ở thành phố Basra thuộc miền Nam Iraq là một trong những dự án lớn nhất của quân đội Mỹ và nhìn bề ngoài có vẻ như là công trình tái thiết thành công vào năm 2005. Tuy nhiên, việc mở cửa phục vụ đã nhiều lần bị trì hoãn và cho tới nay vẫn “cửa đóng then cài” vì hệ thống cung cấp điện thiếu trầm trọng. Từ một công trình có giá trị ban đầu là 37 triệu USD, nhưng tổng chi phí được tính toán hồi năm ngoái đã lên đến 171 triệu USD. Ấy vậy mà trang thiết bị trong bệnh viện này được đánh giá là “lỗi thời”.

Trong khi đó, hệ thống xử lý nước ở thành phố Fallujah (phía Tây Thủ đô Baghdad) được khởi công xây dựng từ năm 2005 với chi phí dự kiến 32,5 triệu USD. Tuy nhiên, tổng chi phí thực tế đã cao hơn gấp 3 lần, lên tới 104 triệu USD. Nhà máy này đã cơ bản hoàn thành, nhưng nhà thầu vẫn chưa kết nối đường ống dẫn nước đến nơi tiêu thụ. Ngay cả khi khánh thành, nhà máy sẽ chỉ phục vụ cho khoảng 4.300 hộ gia đình, chứ không phải 24.500 hộ gia đình như kế hoạch ban đầu.

Ngoài 3 công trình lãng phí điển hình trên, có hàng trăm dự án khác bị hủy bỏ hoặc chưa thể hoàn thành. Thậm chí theo Bộ trưởng Kế hoạch Iraq Ali Baban, chính phủ Iraq chỉ tiếp nhận 300 trong số 1.500 dự án tái thiết do phía Mỹ bàn giao, số chưa hoàn chỉnh còn lại coi như sẽ bị xếp xó vì nếu tiếp tục vẫn không thể đảm bảo chất lượng, không thể đáp ứng nhu cầu hoặc không có kế hoạch, hợp đồng trao lại cho nhà thầu Iraq.

Cho nên, tổng số tiền lãng phí của các công trình, dự án xây dựng của Mỹ tại Iraq lên đến hơn 5 tỉ USD, chiếm hơn 10% trong số khoảng 50 tỉ USD mà chính phủ Mỹ đầu tư (từ tiền đóng thuế của dân Mỹ và nguồn thu dầu mỏ Iraq) cho cái gọi là “tái thiết Iraq”. Đó là con số được kiểm toán, còn theo ông Stuart Bowen, sự lãng phí có thể lớn hơn. Đó là chưa kể khoảng 20 tỉ USD dành cho công tác huấn luyện và trang bị lực lượng an ninh hùng hậu 660.000 người nhưng khá “bất lực” của Iraq. Mỹ còn cam kết đáp ứng đủ 6.000 megawatt điện cho người Iraq với số tiền đầu tư 4,9 tỉ USD trong 6 năm qua, nhưng nhu cầu nội địa trên thực tế chỉ 5.500 megawatt của người Iraq vẫn không đảm bảo.

PHÚC GIA AN (Theo AP và Latimes)

Bệnh viện nhi đồng Basra còn hết sức ngổn ngang. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết