29/04/2018 - 17:10

Những cụ bà “bìa carton” ở Hồng Công 

Theo Guardian, do không nhận được sự hỗ trợ tài chính đầy đủ mà nhiều công dân lớn tuổi Hồng Công đang phải mưu sinh bằng cách đi nhặt rác và bán phế liệu.

1/3 người cao tuổi Hồng Công hiện sống cảnh nghèo khó. Ảnh: SOPA Images
1/3 người cao tuổi Hồng Công hiện sống cảnh nghèo khó. Ảnh: SOPA Images

Chẳng hạn như trường hợp của cụ bà Wong, ở khu vực Sheung Shui. Cụ là một trong hàng ngàn cụ bà “bìa carton”, tức những người chuyên thu lượm và bán phế liệu trên khắp 9 quận nghèo nhất của Hồng Công. Quả thật, trong tình cảnh thất nghiệp, không tiền tiết kiệm, không sự hỗ trợ gia đình, không đủ tiền an sinh xã hội, thì việc tìm bán bìa carton đã trở thành sinh kế duy nhất của bà cụ 65 tuổi. Nhưng dù quần quật làm công việc này từ lúc 7 giờ sáng  đến 21 giờ mỗi ngày, thì cụ Wong chỉ kiếm được khoảng 41 đôla Hồng Công (HKD)/ngày (chưa tới 119.000 đồng). “Tôi cuối cùng lâm vào tình trạng vô gia cư vì không có đủ tiền thuê nhà. Ngay cả tiền thuê một căn phòng chia nhỏ cũng tốn khoảng 4.000 HKD/tháng và tôi không có tiền cho điều đó”- cụ cho biết.

Cùng chung cảnh khốn khó với cụ Wong, cụ bà Lan Tsz (67 tuổi) ở khu vực Kwai Chung cũng kiếm sống bằng cách thu lượm và bán bìa carton. Dù bị viêm khớp ở chân, song cụ Tsz thường bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm cho đến tận 23 giờ đêm. Cụ cho biết hy vọng duy nhất trước mắt là có thể “né” được lực lượng an ninh trật tự chính phủ, những người thường tịch thu số bìa carton và đồ đạc của cụ. “Bộ Môi trường và vệ sinh thực phẩm từng đến và tịch thu bìa carton của tôi 2 lần một tuần”- cụ Tsz kể.

Được biết theo luật pháp hiện hành của Hồng Công, những người hành nghề “ve chai” như cụ Tsz có thể bị truy tố vì hành vi gây cản trở nơi công cộng hoặc không có giấy phép bán hàng. Trong một vụ việc gây chú ý hồi năm ngoái, cảnh sát đã bắt một cụ bà “bìa carton” vì bán một thùng carton trái phép với giá 1 HKD cho một người giúp việc. Vụ việc bị lên án rộng rãi như là bằng chứng cho sự thất bại của giới chức Hương Cảng trong việc bảo vệ những công dân lớn tuổi và dễ bị tổn thương nhất của thành phố khỏi tình cảnh nghèo đói. “Mặc dù chúng tôi hiểu lực lượng an ninh đang thực thi pháp luật, song vấn đề này đã nêu bật sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với công việc mà những cụ bà này đang làm” - Tang Wing-him, một quan chức từ Bộ phận chăm sóc người nghèo Hồng Công, nói.

 Theo Guardian, những cụ bà “bìa carton” là một chỉ dấu dễ nhìn thấy nhất cho những khó khăn của giới chức Hồng Công trong việc hỗ trợ nhóm dân số già hóa nhanh chóng. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung văn Hồng Công, người dân Hương Cảng hiện có tuổi thọ cao nhất thế giới với tuổi thọ trung bình của nam giới là 81,3 tuổi và phụ nữ là 87,3 tuổi.

Tuy vậy, 1/3 số người cao tuổi Hồng Công đang sống nghèo khổ. Theo số liệu  năm 2016, có 478.400 người từ 65 tuổi trở lên sống dưới mức nghèo khó - được xác định là có mức thu nhập 3.800 HKD/tháng. Trong khi đó, quỹ công dành cho họ khá “khiêm tốn”. Đơn cử, khoản hỗ trợ hàng tháng phổ biến nhất là “Tiền trợ cấp sinh sống cho người già” chỉ tối đa là 2.600 HKD/tháng. Song những khoản như thế thường được xem là “tiền hoa quả” vì quá ít ỏi để mua được thứ gì khác.

Việc hỗ trợ dân số già hóa nhanh chóng của Hồng Công còn là một mối quan tâm thường trực, do số người từ 65 tuổi trở lên được ước tính sẽ tăng gần gấp đôi - lên 2,37 triệu người vào năm 2036 (chiếm 31,1% tổng dân số). Tình trạng dân số già hóa nhanh kết hợp với tỷ lệ sinh giảm và dự báo cho rằng thành phố sắp mất đi 14% nhân lực trong vòng 50 năm tới, có nghĩa là Hồng Công sẽ có ít người trong độ tuổi lao động để hỗ trợ cho người cao tuổi.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết