16/08/2021 - 08:35

Nhức nhối nạn lừa đảo liên quan vaccine 

Cơ quan Chống gian lận (OLAF) của Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được nhiều báo cáo về việc phân phối vaccine COVID-19 giả và hoạt động lừa đảo nhắm vào các cơ quan y tế. Song song đó, cảnh sát các nước cũng bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến buôn bán vaccine giả.

Lô vaccine giả bị phát hiện ở Nam Phi. Ảnh: Interpol

Lô vaccine giả bị phát hiện ở Nam Phi. Ảnh: Interpol

Hồi đầu năm nay, OLAF kêu gọi chính phủ các nước cảnh giác về việc gian lận, lừa đảo trong mua bán vaccine. OLAF cho biết đã có hiện tượng các tổ chức, cá nhân mạo danh mời chào vaccine giả nhằm lừa gạt chính phủ các nước thành viên EU đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Những hình thức lừa đảo có thể gồm: tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vaccine; chào bán số lượng lớn vaccine cho chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; giao các lô vaccine giả mạo. Tổng cộng, bọn tội phạm đã chào bán hơn 900 triệu liều vaccine với giá khoảng 15,3 tỉ USD.

Lừa đảo hoành hành

Tháng 3 năm nay, Tổ chức Hình cảnh Quốc tế (Interpol) thông báo cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi đã thực hiện nhiều vụ triệt phá cơ sở làm vaccine giả. Tại Trung Quốc, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 80 người và tịch thu ít nhất 3.000 liều vaccine chứa dung dịch muối trong một công xưởng. Trước đó, 3 công dân Trung Quốc và một người Zambia tại một nhà kho ở tỉnh Gauteng (Nam Phi) cũng đã bị tóm với tang vật là 2.400 liều vaccine giả. Theo Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” liên quan tội phạm vaccine COVID-19.

Tại Mexico, giới chức đã bắt 6 người bán vaccine giả mạo Hãng dược Mỹ Pfizer tại một phòng khám, bên cạnh đó còn thu giữ gần 6.000 liều vaccine Sputnik V (Nga) giả được vận chuyển trên một máy bay tư nhân trong hành trình đến Honduras. Interpol phát hiện nhiều phòng thí nghiệm quy mô nhỏ ở Đông Nam Á tham gia sản xuất vaccine giả, cùng một đường dây vận chuyển vaccine giả tới Nam Mỹ. Tại châu Âu, cảnh sát Ba Lan đã triệt phá một vụ lừa đảo bán vaccine Pfizer giả, mà bên trong chứa đầy chất chống lão hóa. Giá bán vaccine giả tại Mexico và Ba Lan lên tới 1.000USD/liều, đắt gấp 50 lần vaccine thật.

Gần đây hơn, khoảng 2.500 người Ấn Độ đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo tinh vi liên quan vaccine chứa nước muối. Ít nhất 12 điểm tiêm vaccine giả đã mọc lên ở thành phố Mumbai vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Đường dây này tinh vi đến nỗi đã sử dụng một bệnh viện để cung cấp chứng nhận vaccine giả, lọ vaccine giả và kim tiêm. Những kẻ đứng sau đã thu lợi bất chính 28.000USD. Đến nay, 14 người đã bị bắt với cáo buộc gian lận, âm mưu giết người và các tội danh khác.

Vaccine thật không bán online

Thời gian qua, Interpol đã cảnh báo tình trạng buôn bán và sản xuất vaccine giả gia tăng trên thế giới. Cảnh báo được ban bố trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà đa số các quốc gia đang phát triển mới chỉ nhận lượng vaccine nhỏ giọt hoặc thậm chí chưa được chuyển giao. Lợi nhuận khổng lồ, cũng như sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng ở không ít quốc gia, là yếu tố thôi thúc bọn tội phạm mở rộng quy mô sản xuất vaccine giả.

Interpol nhấn mạnh không loại vaccine đã được phê duyệt nào có thể mua trực tuyến. Bất kỳ loại vaccine nào quảng cáo trên các trang web mở hay kín đều trái phép, chưa qua thử nghiệm và có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Về phần mình, các nhà sản xuất vaccine khẳng định họ chỉ bán trực tiếp vaccine cho chính phủ các nước, chứ không ủy quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vaccine. Pfizer cũng đã biết về việc 86 đề xuất lừa đảo vaccine của hãng này được gửi tới chính phủ ở 45 quốc gia.

HẠNH NGUYÊN (Theo BBC, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết