Cạnh tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã mở rộng phạm vi từ công nghệ sang môi trường giáo dục khi ngày càng nhiều sinh viên đại lục rời xa các trường đại học phương Tây sau thời gian cân nhắc những lựa chọn thay thế an toàn, ổn định hơn ở Đông Nam Á.

Ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc chọn du học Đông Nam Á. Ảnh: CNA
Thập kỷ qua, Trung Quốc có số lượng sinh viên du học nước ngoài nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), số du học sinh Trung Quốc đang theo học để lấy bằng ở nước ngoài đạt mức cao kỷ lục hơn 1 triệu sinh viên.
Nếu phần lớn những gia đình Trung Quốc có điều kiện trước đây đều muốn cho con theo học các tổ chức giáo dục hàng đầu ở Anh hoặc Mỹ, giờ đây họ bắt đầu suy nghĩ lại trước các đợt siết chặt thị thực, làn sóng phản đối Trung Quốc gia tăng và mối đe dọa từ những thay đổi chính sách đột ngột của các nước phương Tây.
Ở Mỹ, số du học sinh Trung Quốc đã giảm mạnh 100.000 người trong 4 năm qua, tương đương 25%. Đầu tháng 4, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn ban hành khuyến cáo chính thức kêu gọi sinh viên trong nước đánh giá kỹ rủi ro du học Mỹ.
Trong bối cảnh đó, khu vực từng bị coi là điểm đến dự phòng là Đông Nam Á âm thầm nổi lên như thiên đường học thuật mới. Qian Yaru người Vũ Hán cho biết sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), cô nhận được lời mời học lên tiến sĩ từ nhiều học viện hàng đầu ở Mỹ và Anh. Nhưng xét tới tình hình chính trị bất ổn, Qian chọn quốc gia an toàn như Singapore. Sinh viên Qin Sansan đến từ Quảng Châu cũng chọn Singapore sau khi cân nhắc vấn đề an toàn. Theo Bộ Giáo dục Singapore, tính đến năm 2023, đảo quốc này đón khoảng 73.000 sinh viên quốc tế với du học sinh đại lục chiếm gần một nửa.
Kết nối các nền văn hóa
Lựa chọn của Qian hay Qin phản ánh xu hướng rộng lớn, trong đó sinh viên Trung Quốc chuyển mục tiêu khỏi phương Tây và hướng đến những cơ sở giáo dục “an toàn, gần gũi” hơn ở Đông Nam Á. Những nước hưởng lợi nhiều nhất có thể kể đến là Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Tại Thái Lan, nhờ học phí phải chăng và chính sách nới lỏng thị thực, du học sinh Trung Quốc ghi danh ở nước này chiếm tỷ lệ đáng kể trong số sinh viên quốc tế. Chỉ riêng năm 2023, có gần 19.000 sinh viên đại lục đang theo học ở Thái Lan, tăng 21,4% so với năm 2022. Còn tại Malaysia, số lượng du học sinh Trung Quốc tăng gấp 5 lần, từ chưa tới 9.000 năm 2020 lên gần 44.000 sinh viên vào năm 2024.
Nói về quyết định của mình, nhiều du học sinh Trung Quốc cho biết những người theo học tại Đông Nam Á không hề thua kém ở châu Âu hay Mỹ. Họ thậm chí còn được ưu ái hơn trong quá trình nộp đơn tuyển dụng. Số khác lại tìm thấy động lực trong cuộc sống khi thoát khỏi sức ép học tập và văn hóa làm việc căng thẳng ở Trung Quốc. Một bộ phận sinh viên thì nói rằng trao đổi văn hóa là điểm nhấn trong trải nghiệm của họ ở nước ngoài.
Sức mạnh mềm thông qua giáo dục
Trong một đánh giá, Tiến sĩ Ngeow Chow Bing cho biết Trung Quốc muốn tăng cường hơn nữa quan hệ văn hóa, giao lưu nhân dân thông qua nhiều hoạt động khác nhau và họ có đủ nguồn lực để thực hiện điều đó. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn thiếu chiến lược quyền lực mềm đầy đủ trong lĩnh vực giáo dục đại học. Xét tới mối tương tác giữa sinh viên Trung Quốc ở Đông Nam Á hiện nay, Tiến sĩ Ngeow cho rằng những nỗ lực cá nhân như vậy trên thực tế có vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn trong chiến lược xây dựng quyền lực mềm của Bắc Kinh.
Tất cả những điều này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc nỗ lực cải thiện hình ảnh để giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á khi cạnh tranh với Mỹ ngày càng tăng. Theo khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak trên 2.000 người từ 11 nước ASEAN, Trung Quốc vẫn là siêu cường có ảnh hưởng nhất khu vực về mặt chính trị, chiến lược và kinh tế. Nhưng Tiến sĩ Ngeow cũng nói rõ, sự hiện diện ngày càng tăng của sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học khu vực không tạo ra bất kỳ tác động địa chính trị nào ngay lập tức. Thay vào đó, xu hướng này định hình lại bối cảnh giáo dục của khu vực và tăng cường động lực cho chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc, biến địa chính trị trừu tượng thành mối quan hệ hữu nghị trên thực tế.
MAI QUYÊN (Theo CNA)