08/09/2014 - 08:37

Nhật cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Nam Á

Ông Shinzo Abe hôm qua đã trở thành Thủ tướng Nhật đầu tiên tới thăm Sri Lanka trong vòng gần 1/4 thế kỷ qua và đây là quốc gia thứ 49 mà ông đặt chân đến kể từ khi trở lại ghế thủ tướng tháng 12-2012. Một ngày trước đó, ông cũng là nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc đầu tiên công du Bangladesh trong 14 năm trở lại đây. Theo Reuters, Tokyo đang nỗ lực gầy dựng lại ảnh hưởng tại Nam Á vốn đã mất vào tay Trung Quốc.

"Tôi đến đây cùng 22 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, từ phát triển cơ sở hạ tầng đến cung cấp nước sạch, với hy vọng mạnh mẽ sẽ làm ăn ở Bangladesh"-Thủ tướng Abe phát biểu tại diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp hai nước tại Thủ đô Dhaka.

Quan hệ giữa Nhật và Bangladesh đã được tăng cường trong thời gian gần đây. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina thăm Tokyo tháng 5 vừa qua với kết quả là Nhật cam kết đầu tư 5,7 tỉ USD vào Bangladesh trong 4-5 năm tới và cung cấp khoản vay 450 triệu USD xây nhà máy nhiệt điện công suất 1.350 megawatt. Cơ quan Viện trợ Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng rất quan tâm tới dự án phát triển một cảng nước sâu ở miền Nam Bangladesh mà trước đó Dhaka đã "nhờ vả" Trung Quốc. Đáp lại, Bangladesh hôm 6-9 tuyên bố thôi ứng cử ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2017 và quay sang ủng hộ Nhật Bản.

Ông Abe (phải) và Thủ tướng Bangladesh Hasina bắt tay sau khi ký tuyên bố chung hôm 6-9. Ảnh: AFP

Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người có chuyến công du Tokyo hồi năm ngoái, cũng tán thành việc Nhật có ý định trở thành nhà tài trợ và đầu tư lớn ở quốc gia này, làm đối trọng với Trung Quốc- nước đã cung cấp 500 triệu USD cho Colombo xây cảng biển hồi năm 2013. Theo AFP, bên cạnh các thỏa thuận thương mại và viện trợ, Nhật có thể cam kết cung cấp tàu tuần tra cho cảnh sát biển Sri Lanka trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Abe.

Ấn Độ Dương có vai trò hết sức quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản do nước này phải nhập hầu hết năng lượng mà đây là đường vận chuyển huyết mạch dầu và khí hóa lỏng từ Trung Đông. Vài ngày trước khi lên đường công du Bangladesh và Sri Lanka, Thủ tướng Abe đã đón người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi ở Tokyo. Tại đây, Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư 34 tỉ USD vào Ấn Độ và hai nước đồng ý khởi động "quan hệ đối tác toàn cầu đặc biệt, chiến lược" nhằm tăng cường hợp tác an ninh trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Với Bắc Kinh, Nam Á cũng có vai trò quan trọng không kém. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan vào giữa tháng 9 nên Reuters nhận định lần này ông Abe đã đi trước một bước.

Ấn Độ hưởng lợi

Có thể nói hoạt động ngoại giao ở châu Á đã sôi động hẳn lên kể từ khi ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ hồi tháng 5 với tuyên bố sẽ đóng một vai trò chủ động trên trường quốc tế. Ông đã mời các nhà lãnh đạo khu vực, kể cả Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, đến dự lễ nhậm chức của mình. Với chính sách "nhất cận lân", ông ưu tiên tới thăm các nước láng giềng gần như Bhutan và Nepal. Song song đó, Thủ tướng Modi cũng chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn, chẳng hạn như thăm Nhật Bản hồi tuần rồi và sau đó đón Thủ tướng Úc Tony Abbott ở New Delhi với một thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trong tháng này ông cũng sẽ sang thăm Mỹ.

Không khó để thấy rằng các nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ không ngoài mục đích tạo thế cân bằng với Trung Quốc, nhất là tại "sân sau" của mình. Từ hai nền kinh tế có qui mô ngang nhau hồi đầu những năm 1980, tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong mấy thập niên liền đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có qui mô gấp 5 lần kinh tế Ấn Độ. Trung Quốc đã dùng nguồn thặng dư thương mại dồi dào đầu tư mạnh vào các nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng ở Nam Á để nuôi cỗ máy công nghiệp khổng lồ của mình. Ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương khiến New Delhi lo ngại rằng Trung Quốc đang tạo ra "chuỗi ngọc trai" nhằm bao vây và đe dọa an ninh của họ. "Chuỗi ngọc trai" là thuật ngữ chỉ các căn cứ quân sự, cảng biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai, chạy theo tuyến đường hàng hải bắt đầu từ đảo Hải Nam qua Biển Đông, sang Ấn Độ Dương (đặc biệt là các nước nằm gần Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka) đến tận châu Phi và vùng vịnh Persian.

Có sự hợp tác của Nhật Bản, Ấn Độ hy vọng có thể bẽ gãy "chuỗi ngọc trai" này. Trong chuyến thăm Tokyo vừa qua, Thủ tướng Modi đã chỉ trích những quốc gia có tư tưởng "bành trướng" mà ai cũng hiểu là ám chỉ những hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Tờ China Daily hôm 5-9 cũng cáo buộc Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đang liên kết để kiềm chế Bắc Kinh.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết