11/06/2022 - 18:15

Nhật Bản thể hiện sức mạnh hải quân 

Hải quân Nhật Bản sắp lần đầu tiên triển khai tàu sân bay (được chuyển đổi từ khu trục hạm trực thăng lớp JS Izumo) đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tham gia huấn luyện và tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực trong vòng 4 tháng tới.

Thông điệp của tàu sân bay Nhật Bản

Tàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản. Ảnh: AFP

Tàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản. Ảnh: AFP

“Xuất thân” từ khu trục hạm trực thăng với lượng giãn nước lên tới 27.000 tấn và có thể mang theo 28 trực thăng, nhưng tàu JS Izumo (cùng con tàu “chị em” là Kaga) hồi tháng 10 năm ngoái đã trải qua đợt thử nghiệm cất và hạ cánh chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến F-35B của Mỹ,  khiến nó chính thức trở thành tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1945.

Trong quá khứ, JS Izumo từng tham gia các hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng lần này nó sẽ vận hành chiến đấu cơ F-35B nhằm chứng tỏ vị thế mới của hải quân Nhật Bản. 

Theo tờ Defense News, JS Izumo sẽ được triển khai cùng các tàu khu trục JS Takanami và JS Kirisame cùng một tàu ngầm trong khoảng thời gian từ ngày 13-6 đến ngày 28-10. Tham gia đợt triển khai này có một số máy bay của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), gồm một máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1, một máy bay huấn luyện tình báo điện tử UP-3D và một thủy phi cơ ShinMaywa US-2.

Tàu sân bay của Nhật Bản sẽ tham gia một số cuộc tập trận hải quân, gồm cuộc tập trận Hải quân Vành đai Thái Bình Dương 2022 (RIMPAC) được tổ chức tại vùng biển Hawaii trong tháng 6, với sự tham gia của 26 nước, 38 tàu nổi, 4 tàu ngầm, 9 lực lượng trên bộ, hơn 170 máy bay và khoảng 25.000 quân nhân; và cuộc tập trận Kakadu 2022 ở Úc vào tháng 9. Đây là lần đầu tiên con tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản JS Izumo tham gia RIMPAC 2022. Đáng chú ý, Nhật Bản còn tham gia các hoạt động huấn luyện khác, gồm cuộc tập trận Đội tiên phong Thái Bình Dương 2022 với hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Úc, cũng như cuộc tập trận chung với Hải quân Ấn Độ. Ngoài ra, đoàn chiến hạm này sẽ có các chuyến ghé cảng tại Úc, Việt Nam, Philippines, Papua New Guinea và nhiều đảo Nam Thái Bình Dương khác.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong một tuyên bố cho biết, việc triển khai lần này có 2 mục tiêu. Một là nhằm nâng cao khả năng chiến thuật của JMSDF và tăng cường hợp tác với hải quân các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các cuộc tập trận chung. Hai là nhằm đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cải thiện mối quan hệ hợp tác với các nước đối tác.

Nỗ lực nâng tầm sức mạnh hải quân

JMSDF hồi tháng 3 năm nay đã đưa vào biên chế JS Kumano, tàu chiến đầu tiên trong số các khinh hạm đa năng lớp Mogami mới. Với lượng giãn nước 3.900 tấn, JS Kumano sở hữu nhiều chức năng mới, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng chứa tên lửa đất đối không tầm trung, thiết bị định vị thủy âm ở các độ sâu khác nhau và cảm biến thủy âm loại kéo rê ở phía đuôi cho các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm.

Sau JS Kumano, tàu chiến thứ 2 Mogami và thứ 3 Noshiro sẽ lần lượt được đưa vào biên chế cuối năm nay. “Không giống như các tàu khu trục khác có chức năng như là lực lượng chính của Hạm đội hộ tống thuộc JMSDF, khinh hạm lớp Mogami dự kiến sẽ có chức năng bổ sung để hỗ trợ các loại hình chiến tranh khác nhau cũng như có thể đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như cứu trợ thảm họa” - Kazuki Yamashita, cựu chỉ huy JMSDF, nói.

Theo USNI News, chương trình đóng các khinh hạm đa năng lớp Mogami nói trên là chương trình mới nhất trong một loạt dự án nhằm nâng cấp năng lực của JMSDF, một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Đơn vị này hiện vận hành nhiều tàu khu trục, một hạm đội gồm 21 tàu ngầm lớp diesel-điện, 2 lớp tàu sân bay trực thăng, máy bay tuần tra hàng hải, trực thăng và tàu tác chiến thủy lôi. Hầu hết trong số này tương đối hiện đại và được trang bị hệ thống cảm biến và vũ khí mới nhất. Hạm đội tàu ngầm động cơ diesel của JMSDF là đơn vị có năng lực quan trọng nhất trong việc bảo vệ vùng biển Nhật Bản. Hồi tháng 3, tàu ngầm đầu tiên lớp Taigei 3.000 tấn đã được đưa vào vận hành với hệ thống chiến đấu được cải thiện, thủy âm êm hơn và tầm hoạt động xa hơn so với 12 chiếc tàu ngầm lớp Soryu. 

Ông Yamashita nói rằng nỗ lực hiện đại hóa JMSDF “liên tục được tiến hành”. Kế hoạch trang bị tàu chiến mới dành cho JMSDF nằm trong Chương trình Quốc phòng năm 2019 và Chương trình Phòng thủ trung hạn giai đoạn 2019-2023, trong đó kêu gọi trang bị cho JMSDF 22 tàu ngầm và 54 tàu khu trục. Đáng chú ý, JMSDF còn có kế hoạch mua 42 chiến đấu cơ F-35B, bắt đầu từ năm 2023.

Một trong những ưu tiên gần đây của Nhật Bản là phát triển các hệ thống điều khiển từ xa nhằm tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát cho hạm đội tàu chiến của JMSDF. Lực lượng này cũng đang tìm cách tăng cường hỏa lực, trong đó có tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết