02/02/2020 - 22:38

Nhật Bản nỗ lực chống chứng mất trí nhớ 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chứng mất trí nhớ là một trong những hội chứng phát triển nhanh nhất với số người mắc bệnh dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, tức khoảng 150 triệu ca. Trong đó, Nhật Bản có tỷ lệ người mắc cao bởi tình trạng dân số già nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Người dân Nhật Bản trải nghiệm xem phim chống chứng mất trí nhớ bằng kính VR. Ảnh: Forbes

Dự kiến, khoảng 20% số người cao tuổi xứ hoa anh đào bị mất trí nhớ vào giữa thập kỷ này. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản hồi năm 2019 đã thực thi một chiến lược quốc gia mới nhằm hướng tới một xã hội mà ở đó mọi người có cái nhìn tích cực ngay cả khi họ bị mất trí nhớ. Theo tạp chí Forbes, chiến lược này được đưa ra nhằm thúc đẩy mọi người "sống chung" và "phòng ngừa" chứng mất trí nhớ.

Từ sử dụng VR…

Chung tay với chính phủ, các công ty và chính quyền địa phương tại Nhật Bản cũng đang nghiên cứu cách thúc đẩy chiến lược "sống chung" và "phòng ngừa" chứng mất trí nhớ thông qua công nghệ. Theo đó, Tập đoàn Silverwood chuyên cung cấp chỗ ở cho người già  sử dụng cả công nghệ cao lẫn những giải pháp cơ bản để thúc đẩy chiến lược này. Trụ sở của Silverwood tại thành phố Urayasu luôn mở cửa để chào đón mọi người dân địa phương ghé qua uống cà phê hay mua đồ ngọt tại cửa hàng bán đồ ăn nhẹ. Fumoto Shinichiro, giám đốc Silverwood cho biết, mọi người trong khu phố, gồm một số người mắc chứng mất trí nhớ, buổi trưa thường ghé qua và trò chuyện với nhân viên tại đây. Ngoài ra, Silverwood còn cho phép người dân địa phương tham gia các lớp học tiếng Anh, khiêu vũ, nhờ đó mà mọi người, kể cả người già, trở nên gần gũi hơn. Theo ông Fumoto, bằng cách tạo ra không gian tương tác chung như vậy, sức khỏe tinh thần của những người mắc chứng mất trí nhớ được cải thiện một cách đáng kể.

Trước đó, Silverwood đã tạo ra những bộ phim ngắn được xem bằng kính thực tế ảo (VR) nhằm giúp những người mắc chứng mất trí nhớ gợi lại một số tình huống được cho là bình thường đối với những người khác, chẳng hạn như đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng. Thông qua chính quyền địa phương, các trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội đã bắt đầu hợp tác với Silverwood. Silverwood còn đưa các bộ phim này vào các hội thảo giáo dục nhằm tăng cường sự hiểu biết của người xem về chứng mất trí nhớ. Dự án thậm chí được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, xuất hiện tại các cuộc hội thảo giáo dục ở Đông Nam Á, Trung Quốc. "Nhiều người nghĩ rằng những người mắc chứng mất trí nhớ không thể hiểu bất cứ điều gì. Không phải vậy, họ cũng có thể hiểu được theo cách riêng. Chúng tôi hy vọng trải nghiệm VR có thể giúp mọi người tiếp cận với những người mắc chứng mất trí nhớ và biết cách tạo ra một môi trường mà họ cảm thấy bình an" - Kuroda Maiko, thành viên nhóm VR của Silverwood, cho biết.

…đến dùng trò chơi

Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, công ty Total Brain Care đã phát triển phần mềm gọi là CogEvo, trong đó sử dụng các trò chơi xếp hình và số đơn giản nhằm tăng cường chức năng nhận thức của não. CogEvo trao cho người chơi 12 nhiệm vụ để đánh giá 5 chức năng nhận thức chính, gồm định hướng, chú ý, ghi nhớ, lập kế hoạch và nhận thức không gian. Kết quả được trực quan hóa thông qua biểu đồ và đồ thị.

Theo Kawagoe Shinsuke, giám đốc điều hành của Total Brain Care, CogEvo có thể giúp mọi người phát hiện sớm các dấu hiệu của chứng suy giảm nhận thức, đồng thời giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ bằng cách thúc đẩy nhận thức về bệnh này. Kể từ khi được tung ra vào năm 2016, CogEvo đã được giới thiệu tới hơn 600 tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe tại thành phố Kobe cũng như nhiều tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết