02/04/2024 - 17:10

Nguy cơ Úc trở thành “bãi chứa” chất thải hạt nhân 

Sau phiên điều trần của Quốc hội Úc về luật an toàn hạt nhân, có nhiều ý kiến cho rằng nước này có thể trở thành “trạm” xử lý chất thải phóng xạ quốc tế khi thực hiện Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên giữa Úc với Anh và Mỹ (AUKUS).

Úc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi AUKUS được thực hiện. Ảnh: AAP

Thỏa thuận AUKUS ra đời năm 2021, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ Úc xây dựng lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đẩy nhanh lộ trình triển khai, chính quyền Canberra cuối năm ngoái công bố Dự luật An toàn Năng lượng Hạt nhân Hải quân Úc. Nội dung chính xoay quanh việc thành lập cơ quan giám sát độc lập mới với khung pháp lý về nghĩa vụ an toàn hạt nhân nghiêm ngặt, đảm bảo Úc áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất cho các cơ sở sản xuất động cơ đẩy, bao gồm việc lưu trữ hoặc xử lý chất thải phóng xạ từ tàu ngầm AUKUS. Dự luật cũng áp đặt các tội danh mới đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ an toàn hạt nhân, bao gồm các hình phạt hình sự và dân sự nghiêm trọng. Để đảm bảo lộ trình AUKUS không bị chậm trễ, Úc đã giới thiệu dự luật kèm theo, cho phép chuyển đổi một số giấy phép nhất định do Cơ quan An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Bức xạ Úc cấp sang cơ quan quản lý mới.

Cả 2 dự luật đều được chuyển đến Thượng viện để xem xét, nhưng nội dung phiên điều trần gần đây đã dấy lên nhiều tranh luận về quy trình xử lý chất thải hạt nhân. Trong dự luật mới, cơ quan quản lý được cho dựa trên kinh nghiệm của Mỹ và Anh để đưa ra các thông lệ quốc tế tốt nhất về an toàn hạt nhân. Vấn đề là 2 đối tác trong AUKUS đều đang vật lộn với quy trình xử lý chất thải hạt nhân của chính họ, do đó, có ý kiến cho rằng Mỹ - Anh có thể coi Úc như “vùng đất mới” và chuyển chất thải phóng xạ đến đây. 

Trong động thái trấn an, các quan chức Công đảng cầm quyền khẳng định chính phủ sẽ không chấp nhận chất thải từ những quốc gia khác, rằng những tuyên bố gần đây chỉ nhằm gây sợ hãi trong dư luận. Trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cũng từng cáo buộc đảng Xanh “hù dọa” khi nêu ra những lo ngại tương tự. 

MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết