07/07/2018 - 18:07

Nguy cơ trượt dài từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 

Giới phân tích lo ngại diễn tiến nguy hiểm trong xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể kéo dài và leo thang thành khủng hoảng, gây tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thậm chí dẫn đến suy thoái khi hai cường quốc có xu hướng “ăn miếng trả miếng” thay vì chủ trương đàm phán.

Nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ không còn xuất hiện trên các kệ siêu thị Trung Quốc. Ảnh: AP

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức khai màn khi quyết định áp thuế mới của Mỹ lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực hôm 6-7. Bắc Kinh chỉ trích Washington vi phạm các quy tắc thương mại thế giới và châm ngòi “cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử kinh tế”. Cường quốc châu Á đã ngay lập tức trả đũa bằng cách áp mức thuế tương tự 25% lên 545 mặt hàng của Mỹ. Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện Washington lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vài giờ sau khi Mỹ - Trung áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, căng thẳng tiếp tục leo thang khi tin tức cho biết Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đang lên kế hoạch vòng trừng phạt thứ 2 chống lại Bắc Kinh. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế bổ sung trị giá 16 tỉ USD đối với 284 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 8. Trước đó, Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế 10%  lên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục trả đũa thay vì thay đổi hành vi thương mại mà ông cho là “không công bằng”. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định Washington có thể theo đuổi đến cùng với tổng trị giá hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ lên tới hơn 500 tỉ USD – xấp xỉ tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ từ nước này vào năm ngoái.

Theo giới phân tích, sẽ phải mất vài tuần hoặc vài tháng để USTR xem xét và triển khai bất kỳ vòng trừng phạt mới nào. Tuy nhiên, động thái như vậy được dự báo kích hoạt phản ứng đáp trả hơn nữa từ Bắc Kinh và trong ngắn hạn, màn trả đũa qua lại có thể phá vỡ thị trường và cản trở thương mại cả hai nước. Về lâu dài, chuyên gia Scott Kennedy thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với thị trường tài chính, cử tri Mỹ sẽ phản ứng như thế nào và nền kinh tế Trung Quốc liệu sẽ bắt đầu lung lay.

Tính đến nay, ngân hàng Morgan Stanley cho biết các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng ảnh hưởng tương đương 0,6% thương mại và chiếm 0,1% GDP toàn cầu. Trong khi đó, chuyên gia tư vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này sụt 0,2 điểm phần trăm trước các chính sách thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt. Các chuyên gia tại ngân hàng Merrill Lynch nhận định, “trận chiến” Mỹ-Trung hiện vẫn còn hạn chế nhưng không loại trừ nó sẽ nhanh chóng lan rộng thành chiến tranh thương mại khi hai bên tiếp tục “ăn miếng trả miếng” mà không xây dựng bất kỳ chiến lược nào nối lại đàm phán. Các nhà phân tích lo ngại cuộc chiến thương mại lan rộng như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đã phát triển hơn 20 năm qua, làm suy giảm giao thương và đầu tư quốc tế, phương hại tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến tình trạng co cụm thậm chí suy thoái kinh tế thế giới nói chung.

Trong diễn biến liên quan, BBC cho biết Nga hôm 6-7 đã công bố mức thuế bổ sung đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt lĩnh vực xây dựng và năng lượng để trả đũa mức thuế 25% mà Washington áp đặt lên nhôm và thép hồi tháng 3. 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết